Hầu hết mọi người có thói quen ăn chuối chín nhưng quả xanh cũng bổ dưỡng, có nhiều công dụng với sức khỏe.
Cung cấp nhiều chất xơ, tinh bột kháng
Chuối xanh và chín đều chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như carbohydrate, chất xơ, kali, vitamin B6, C, magiê, đồng, mangan. Chuối rất ít chất béo và protein.
Chuối chưa chín nhiều tinh bột, với khoảng 70-80% trọng lượng, phần lớn là loại tinh bột kháng. Loại tinh bột này không được tiêu hóa trong ruột non nên thường được phân loại là chất xơ ăn kiêng. Khi quả chín và chuyển sang màu vàng, tinh bột chuyển thành đường đơn (sucrose, glucose, fructose). Chuối chín chỉ chứa khoảng 1% tinh bột.
Chuối xanh cũng là nguồn cung cấp pectin tốt. Loại chất xơ này có trong nhiều quả, giúp chúng giữ nguyên hình dạng cấu trúc. Pectin bị phân hủy khi chuối quá chín, khiến nó trở nên mềm và nhão.
Thúc đẩy cảm giác no
Ăn thực phẩm giàu chất xơ như chuối xanh có thể thúc đẩy cảm giác no. Cả tinh bột kháng và pectin đều có liên quan đến tác dụng này. Chúng giảm tốc độ làm chậm quá trình rỗng dạ dày, nên một người ăn ít thức ăn hơn, kiểm soát lượng calo nạp vào, hỗ trợ giảm cân.
Có lợi cho tiêu hóa
Các chất dinh dưỡng trong chuối xanh cũng có tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Thay vì bị phân hủy trong ruột, tinh bột kháng và pectin nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi cư trú ở đường tiêu hóa. Vi khuẩn lên men hai loại chất xơ này, tạo ra butyrate cùng các axit béo chuỗi ngắn có lợi khác. Các axit béo chuỗi ngắn giúp phòng tránh các bệnh tiêu hóa khác nhau.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Kali và chất xơ trong chuối xanh hỗ trợ kiểm soát huyết áp cùng mức cholesterol. Kali giảm tác động của natri, ngăn ngừa tăng huyết áp, trong khi chất xơ giảm mức cholesterol xấu (LDL).
Giảm lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao có liên quan nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Nếu không được điều trị tăng đường huyết có khả năng dẫn đến bệnh tiểu đường type 2, làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng khác.
Cả pectin, tinh bột kháng trong chuối xanh đều có vai trò giảm đường huyết sau bữa ăn. Chỉ số đường huyết của chuối xanh chỉ 30, tương đối thấp trong khi loại chín cao gấp đôi. Chỉ số đường huyết đo tốc độ thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Các giá trị thấp hơn 55 được cho là tốt cho việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Chuối xanh cung cấp nhiều loại vitamin B, bao gồm vitamin B6, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate. Điều này giúp tăng cường khả năng chuyển hóa thức ăn thành năng lượng của cơ thể đồng thời hỗ trợ chức năng trao đổi chất tổng thể.
Chuối xanh thường nấu chín như luộc, rang, chiên hoặc thưởng thức trong món súp. Loại quả này được coi là lành mạnh, song đôi khi chúng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa ở một số người như đầy hơi, chướng bụng, táo bón. Người mắc chứng dị ứng với mủ cao su nên thận trọng khi ăn chuối xanh. Chúng chứa các protein tương tự protein gây dị ứng trong mủ cao su, có thể gây ra phản ứng.
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |