Xã hội

TP.HCM lấy ADN cho 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ

Tóm tắt:
  • TP.HCM thu mẫu ADN cho 64 thân nhân của 33 liệt sĩ chưa rõ danh tính trong kế hoạch rà soát toàn quốc.
  • Hoạt động diễn ra tại Sở Nội vụ TP.HCM, có sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan.
  • Nhiều thân nhân, đặc biệt là mẹ liệt sĩ, đến với hy vọng tìm lại phần mộ của con mình.
  • Việc lấy mẫu ADN giúp xác minh danh tính liệt sĩ, ưu tiên cho thân nhân bên ngoại còn sống.
  • Công an TP.HCM cam kết ứng dụng công nghệ thông tin để tri ân và xác định danh tính liệt sĩ một cách chính xác.

Sáng 18.4, tại hội trường Sở Nội vụ TP.HCM, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) của Bộ Công an phối hợp Công an TP.HCM, Sở Nội vụ TP.HCM và các đơn vị liên quan tổ chức thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định rõ danh tính trên địa bàn TP.HCM.

Có mẹ liệt sĩ đi không vững, phải có người dìu hoặc dắt tay vào khu vực thu mẫu. Với mái đầu đã bạc, trí nhớ cũng dần suy giảm, các mẹ chỉ kể lại được vài mẫu chuyện rời rạc, tuy nhiên vẫn nhớ rõ tên tuổi của con mình. Có người đến từ sớm, trong túi áo gói ghém cẩn thận giấy tờ tùy thân, chứng nhận liệt sĩ, hay tấm ảnh cũ ố vàng của người con, người cha, người anh... mà họ chưa một lần biết rõ nơi yên nghỉ.

TP.HCM lấy ADN của 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ - Ảnh 1.
TP.HCM lấy ADN của 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ - Ảnh 2.

Với nhiều gia đình, đặc biệt là những người mẹ đã chờ đợi mấy chục năm trời, mong mỏi duy nhất còn lại là được biết chính xác nơi con mình yên nghỉ

ẢNH: P.T.N

Theo kế hoạch, từ 8 - 16 giờ ngày 18.4, các đơn vị sẽ thu mẫu ADN cho 64 thân nhân của 33 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đối với những trường hợp già yếu, đi lại khó khăn, các bên sẽ đến thu mẫu lưu động tại nhà.

Việc lấy mẫu diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025). Đây cũng là một phần trong kế hoạch rà soát toàn quốc nhằm xác minh danh tính các liệt sĩ thông qua phân tích ADN, trong đó ưu tiên những trường hợp thân nhân bên ngoại như mẹ ruột hoặc người thân họ ngoại còn sống.

TP.HCM lấy ADN của 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ - Ảnh 3.

Xác nhận thông tin thân nhân của liệt sĩ

ẢNH: P.T.N

Trong đợt lấy mẫu tại TP.HCM lần này, có 31 người là mẹ ruột của liệt sĩ, một trường hợp là Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 32 người là các thân nhân thuộc họ ngoại khác.

Ông Đỗ Nghĩa Dũng (ở P.6, Q.Tân Bình) mở điện thoại, xem lại tấm giấy báo tử và chứng nhận liệt sĩ mà gia đình ông nhận được ngày 25.1.1976 do Bộ Tư lệnh Thủ đô cấp. Văn bản ghi rõ: Hạ sĩ Đỗ Văn Long, sinh năm 1953, là bộ đội thuộc đơn vị KB - Bộ Tư lệnh Thủ đô, đã hy sinh ngày 1.7.1972 tại mặt trận phía nam, được xác nhận là liệt sĩ và an táng tại nghĩa trang mặt trận.

Ông Dũng nói anh Long là anh trai của anh. Ba ông đã mất, còn mẹ nay đã già yếu. Suốt mấy chục năm qua, gia đình ông vẫn nuôi hy vọng có ngày tìm lại phần mộ của liệt sĩ Long.

"Anh tôi đi chiến trường lúc mới 17, 18 tuổi; là tình nguyện đăng ký đi. Điều tôi nhớ rõ nhất là lúc 3 tuổi, tôi bị té ngã, có một vết sẹo đến giờ còn ở đầu. Anh Long đưa tôi đi Bệnh viện Xanh Pôn rồi ra chiến trường luôn, và đi rồi không về. Ba má, họ hàng cứ nhắc suốt, kể chuyện về anh Long, rằng hồi xưa anh học giỏi, thông minh, tình nguyện đi chiến trường, xem đó là nhiệm vụ cao cả", ông Dũng nói.

TP.HCM lấy ADN của 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ - Ảnh 4.

Ông Đỗ Nghĩa Dũng được lấy mẫu ADN

ẢNH: P.TN

Trong nhiều năm qua, ông Dũng vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin về nơi an nghỉ của anh trai. "Tôi gửi thông tin cho hội hỗ trợ liệt sĩ, khi đi công tác ở Quảng Trị, tôi cũng đến nghĩa trang Trường Sơn, thắp nhang cho các mộ liệt sĩ. Khi ấy, trong thâm tâm tôi tự nhủ và tôi cũng tin rằng dù nằm ở nơi nào đó, anh cũng sẽ yên lòng vì vẫn có nhiều người thắp nhang cho anh, nhớ ơn anh", ông Dũng nói chậm, rõ ràng.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) của Công an TP.HCM, cho hay công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ có ý nghĩa, nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Theo thượng tá Lãnh, chương trình không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ mà còn là sự thấu hiểu, sẻ chia với những mất mát lớn lao của các gia đình.

Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị vì nhiều liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến khác nhau, ở nhiều địa bàn trên cả nước.

TP.HCM lấy ADN của 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ - Ảnh 5.
TP.HCM lấy ADN của 64 thân nhân để tìm lại tên cho liệt sĩ - Ảnh 6.

Thân nhân của liệt sĩ chờ lấy ADN

ẢNH: P.T.N

Thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết, trong thời gian qua, lực lượng công an đã và đang triển khai nhiệm vụ thu thập, tích hợp thông tin ADN của cá nhân để phục vụ công tác xác minh danh tính liệt sĩ. Công an TP.HCM xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, đối chiếu, xác định hài cốt liệt sĩ không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim", là cách tri ân thiết thực và sâu sắc nhất đối với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

"Tất cả chúng tôi, những người trực tiếp làm công việc này đều thực hiện với trách nhiệm, tình cảm và sự trăn trở. Chúng tôi luôn mong rằng sau hoạt động hôm nay, quý thân nhân sẽ sớm tìm được hài cốt, danh tính của những người cha, người anh, người con đã hy sinh", thượng tá Hồ Thị Lãnh chia sẻ.

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, sau chiến tranh, nhiều liệt sĩ hy sinh mà không để lại giấy tờ, được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng phần lớn mộ vẫn chưa xác định được danh tính. Dù người thân còn sống và đăng ký tìm kiếm, nhưng do không có mẫu ADN đối chiếu, việc xác minh danh tính liệt sĩ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc lấy mẫu ADN từ thân nhân, đặc biệt là bên họ ngoại, cho phép đối chiếu với mẫu hài cốt đang lưu giữ trong Ngân hàng Gen liệt sĩ. Nếu trùng khớp, liệt sĩ sẽ được xác định danh tính một cách khoa học, chính xác.

Các tin khác

Agribank đẩy mạnh tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8.3.2025, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1.3.2025 và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã đăng ký triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lĩnh vực nông, lâm, thủy sản quy mô 20.000 tỉ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Giá vàng lập đỉnh kỷ lục: Liệu có tiếp tục tăng?

Giá vàng đã vượt ngưỡng 3.300 USD/ounce, lập kỷ lục mới trong bối cảnh thị trường toàn cầu bất ổn vì căng thẳng thương mại và lo ngại lạm phát. Dù đã tăng nóng, các chuyên gia vẫn tin rằng vàng còn nhiều dư địa tăng giá. Vậy điều gì đang thúc đẩy cơn sốt này và liệu có nguy cơ điều chỉnh mạnh?

Bệnh nhân ung thư dạ dày di căn thêm cơ hội sống nhờ điều trị đa mô thức

Bệnh nhân N.T.H. (54 tuổi, Hà Nội) nhập viện vì đau xương háng và sờ thấy hạch cổ. Kết quả chẩn đoán: Ung thư dạ dày di căn xương, hạch, giai đoạn IV. Chỉ số CEA và CA 72-4 tăng cao (243 ng/mL và 300 ng/mL). Sau 6 chu kỳ hóa chất phác đồ FLOT, khối u thu nhỏ, chỉ dấu khối u về mức bình thường, bệnh nhân đi lại được và không còn đau đớn.