Tài chính

Ngành công nghiệp thời trang châu Âu đứng trước nguy cơ đứt gãy vì bão giá

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh lên ngành công nghiệp thời trang của châu Âu, theo WSJ. Hàng nghìn nhà máy và xưởng sản xuất lớn nhỏ cho Gucci và H&M đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao phi mã. Việc chi phí năng lượng của nhiều hãng dệt may tăng từ 5% lên khoảng 25% khiến tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh, theo dữ liệu từ tập đoàn thương mại châu Âu Euratex.

Điều này khiến nhiều nhà cung cấp dịch vụ năng lượng lo ngại khả năng nợ xấu và bắt đầu yêu cầu các công ty dệt may bảo lãnh ngân hàng hoặc ứng trước tiền mặt để trang trải hóa đơn. Tại Italy, “cái nôi” dệt may lớn nhất châu Âu, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn không thể gia hạn thêm các hợp đồng mua bán năng lượng - thứ trước đây giúp họ tránh khỏi các biến động về giá trong ngắn hạn.

Được biết Italy và một số quốc gia Nam Âu khác đã yêu cầu EU áp giới hạn lên giá khí đốt bán buôn - một biện pháp mà Đức và Hà Lan đang kịch liệt phản đối. Đáp lại, Ủy ban châu Âu mới đây đưa ra đề xuất giá trần khẩn cấp đối với khí đốt tự nhiên trên sàn giao dịch thương mại chính của khối.

Mọi thứ trong chuỗi cung ứng chung đều bị ảnh hưởng, từ thợ kéo sợi, dệt vải đến thợ nhuộm, song rất khó để các nhà sản xuất chuyển một phần chi phí sang cho khách hàng do hợp đồng đã thỏa thuận nhiều tháng trước đó. Giá cao khiến nhiều hãng thời trang bán lẻ cân nhắc việc chuyển hoạt động kinh doanh ra bên ngoài châu Âu.

download-2-.jpeg

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh lên ngành công nghiệp thời trang của lục địa đen, theo WSJ.

Alberto Paccanelli, chủ công ty sản xuất hàng dệt may miền Bắc nước Ý, vô cùng sửng sốt khi hóa đơn nhiên liệu tháng 7 tăng vọt lên 660.000 euro, tương đương khoảng 650.000 USD, từ mốc 90.000 euro hồi năm ngoái.

“Toàn bộ ngành công nghiệp châu Âu này có nguy cơ phải ngừng kinh doanh”, ông Paccanelli lo lắng.

Enrico Gatti, nhà sản xuất cung cấp len cho Zara, H&M và một số thương hiệu khác, cho biết lượng đơn đặt hàng của anh đã giảm 50% trong năm nay. Các nhà sản xuất dệt xung quanh thị trấn Prato, một trung tâm dệt may lớn của Tuscan, cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Trong khi đó, đại diện H&M Hennes & Mauritz AB cho biết công ty đang “liên tục phát triển nguồn cung để giảm thiểu chi phí năng lượng, nguyên liệu thô và vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh tiền tệ leo thang”. Inditex SA, chủ sở hữu Zara, thì khẳng định các mối quan hệ sản xuất linh hoạt sẽ giúp thương hiệu này thay đổi quy mô hoạt động khi cần thiết.

Được biết nước Đức đã công bố các biện pháp cứu trợ năng lượng trị giá gần 300 tỷ euro, bao gồm việc giới hạn giá điện và khí đốt. Pháp cũng có kế hoạch chi ra 100 tỷ euro như một cách phòng chống khủng hoảng. Trong khi đó, Italy không có tiềm lực tài chính bằng. Nước này đang gánh khoản nợ quốc gia tương đương 150% GDP và Giorgia Meloni, tân thủ tướng sắp tới, tuyên bố sẽ thắt chặt chi tiêu.

download.jpeg

Hàng nghìn nhà máy và xưởng sản xuất lớn nhỏ cho Gucci và H&M đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao phi mã.

Tính đến cuối tháng 9, Italy đã phân bổ 59 tỷ euro, tương đương 3,3% GDP cho các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp và các hộ gia đình, theo nhóm nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels.

Theo Jean-François Pierre Gribomont, chủ tịch công ty dệt may Utexbel NV, thị trường hàng hóa duy nhất của EU đang suy yếu. Ông hiện phải trả 193 euro cho mỗi megawatt-giờ tại Bỉ và 123 euro cho mỗi megawatt-giờ tại Pháp, tức gấp đôi một năm trước đó.

Theo Michael Engelhardt, người đứng đầu chính sách năng lượng của hiệp hội thương mại Textil + Mode có trụ sở tại Berlin, các công ty dệt may và thời trang Đức, dù được hưởng nhiều gói hỗ trợ nhà nước hơn một số khu vực khác tại châu Âu, song vẫn đang phải chạy đua để tích thêm vốn. Họ còn quan ngại một viễn cảnh đen tối khác, khi các nước thành viên châu Âu buộc phải cung cấp đủ khí đốt vào mùa đông này, trong khi sản phẩm của họ lại bị coi là ít thiết yếu hơn so với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thủy tinh và kim loại.

“Hãy nhìn xem, nếu bạn thiếu những chiếc áo mới, đó không phải là ngày tận thế ư?”, Dirk Vantyghem, tổng giám đốc của tập đoàn thương mại Euratex, nói.

Theo WSJ, nguồn cung khí đốt rẻ ổn định của Nga cho phép các nhà sản xuất trên khắp châu Âu lớn mạnh sau nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy thị phần xuất khẩu hàng dệt may toàn cầu của châu Âu đã giảm sau 20 năm qua. Trong khi đó, thị phần Trung Quốc tăng gấp 4 lần lên hơn 40% vào năm 2020, gấp đôi thị phần EU.

download-3-.jpeg

Việc chi phí năng lượng của nhiều hãng dệt may tăng từ 5% lên khoảng 25% khiến tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh, theo dữ liệu từ tập đoàn thương mại châu Âu Euratex.

Thực tế, các công ty nhỏ lẻ thường tập trung tại các khu vực trung tâm như Lake Como của Italy và hay thị trấn Prato của Tuscan. Sự kết hợp này đã mang lại cho họ cơ hội mở rộng quy mô và cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, khi giá năng lượng bắt đầu tăng đột biến, các công ty nhỏ lẻ như thế này rất khó trụ vững. Maurizio Sarti, một nhà sản xuất len xa xỉ ở Tuscany, cho biết ông đang chạy đua để hoàn thiện các đơn đặt hàng trong thời gian 2 tháng mà vẫn không thể theo kịp giá xăng.

“Bạn đã ký hợp đồng và sau đó giá xăng tăng gấp đôi,” ông nói. “Tôi không thể chuyển chi phí này sang cho khách hàng của mình”.

Trong khi đó, Vincenzo Cangioli, một nhà sản xuất len cao cấp khác của Prato, lại không thể gia hạn hợp đồng mua khí đốt dài hạn của mình. Điều này khiến anh ta phải mua lẻ khí đốt hàng tháng. Hóa đơn cho riêng tháng 7 hiện đã chạm mốc 340.000 euro, trong khi hóa đơn cho cả năm 2021 là 450.000 euro.

Guido Nesti, người sở hữu một cơ sở nhuộm vải tại Prato với 30 nhân viên, đã thương lượng với nhà cung cấp khí đốt hồi tháng 9 với hy vọng gia hạn hợp đồng. Giống như nhiều chủ doanh nghiệp trên khắp Italy, ông Nesti thường đàm phán vào mùa hè, khi nhu cầu đối nhiên liệu không cao.

im.jpeg

Tại Italy, “cái nôi” dệt may lớn nhất châu Âu, nhiều nhà sản xuất thậm chí còn không thể gia hạn thêm các hợp đồng mua bán năng lượng

Lần này thì khác. Bên bán hàng yêu cầu ông ứng trước một khoản tiền tương đương chi phí nhiên liệu cho 2 tháng. Việc giá xăng tăng cao gấp 10 lần so với một năm trước khiến ông Nesti buộc phải trả khoản phí khổng lồ.

Câu chuyện tương tự cũng được ghi nhận tại cơ sở kinh doanh của ông Fabio Reali - người có hợp đồng mua bán nhiên liệu sắp hết hạn vào tháng 12. Ông Reali ước tính sẽ phải chi ra khoảng một triệu euro để trang trải 2 tháng tiền nhiên liệu nếu nhà cung ứng đưa ra yêu cầu tương tự. Hơn một nửa trong số 10 triệu euro doanh thu hàng năm đã phải trích rút ra để trang trải các loại hóa đơn đắt đỏ.

Theo: WSJ

Cùng chuyên mục

Đọc thêm