Nhiều ngân hàng sụt giảm tiền gửi khách hàng
Tăng trưởng ở từng ngân hàng có sự phân hóa mạnh khi ghi nhận có 9 nhà băng sụt giảm tiền gửi trong 3 tháng đầu năm, trong đó có những ngân hàng lớn như Vietcombank, MB, SHB,…
Tại Vietcombank, tiền gửi của khách hàng sụt giảm hơn 48 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 3,5%) trong quý 1/2024 xuống còn hơn 1,34 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm mạnh hơn tiền gửi có kỳ hạn, theo đó tỷ lệ CASA của Vietcombank từ 35,2% giảm xuống còn 34,7%.
Tương tự tại MB, tiền gửi của khách hàng giảm hơn 8.700 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm xuống còn hơn 5,58 triệu tỷ đồng, tương đương mức giảm 1,5%. Hay tiền gửi tại SHB giảm hơn 3.200 tỷ (-0,7%) xuống còn hơn 4,44 triệu tỷ đồng.
Ngoài ra nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng sụt giảm trong 3 tháng đầu năm như VIB, TPBank, ABBank, Kienlongbank, Saigonbank, BacABank.
Trên thực tế, việc tiền gửi khách hàng sụt giảm trong những tháng đầu năm không phải là điều quá bất ngờ. Các ngân hàng thường sẽ chủ động cân đối nguồn huy động vốn phù hợp với tín dụng để đảm bảo thanh khoản tốt mà không bị quá dư thừa vốn. Những tháng đầu năm nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp cũng thường ở mức thấp dẫn đến nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng cũng không mạnh mẽ như những tháng cuối năm. Loạt ngân hàng như Vietcombank, MB, SHB,… đều ghi nhận tín dụng tăng trưởng rất chậm trong quý 1, thậm chí là tăng trưởng âm.
Tại Vietcombank, cho vay khách hàng giảm 0,3% trong 3 tháng, SHB giảm 0,2%, TPBank giảm 2,2%,…Ngoài ra, MB cũng tăng trưởng rất chậm, với mức tăng trưởng cho vay chỉ 0,7%.
ABBank là ngân hàng sụt giảm tiền gửi mạnh nhất, giảm đến 16,5% trong 3 tháng xuống còn hơn 83 nghìn tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2023, tiền gửi tại nhà băng này đạt hơn 100 nghìn tỷ, đứng thứ 20 trong hệ thống, nhưng hiện chỉ còn đứng thứ 22.
Tiền gửi ở một ngân hàng tăng vọt 10% trong 3 tháng
Trong khi đó ở chiều ngược lại, tiền gửi của khách hàng tại 18 nhà băng vẫn có tăng trưởng dương trong quý 1/2024. Trong đó, LPBank là ngân hàng có tốc độ tăng mạnh nhất với mức tăng 10,4% chỉ trong 3 tháng. Theo đó, số dư tiền gửi của khách hàng tại LPBank đã lên gần 262 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 11 trong 27 ngân hàng niêm yết. LPBank cũng là một trong những ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất trong quý 1/2024. Dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này tăng đến 11,7% chỉ trong 3 tháng và đạt hơn 307 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Sacombank, ACB,…cũng tăng trưởng tiền gửi trong 3 tháng đầu năm, tương ứng với việc tăng trưởng tín dụng tích cực.
Hiện BIDV là ngân hàng có nhiều tiền gửi khách hàng nhất trong các ngân hàng niêm yết với số dư hơn 1,73 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% trong 3 tháng đầu năm. VietinBank đứng thứ hai với hơn 1,42 triệu tỷ đồng, tăng 1,2%.
Sau nhóm Big 4, MB là ngân hàng cổ phần có nhiều tiền gửi nhất, đạt hơn 5,58 triệu tỷ đồng; tiếp sau đó lần lượt là Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, SHB, HDBank. Các ngân hàng như MB, Sacombank, ACB có quy mô tiền gửi khách hàng khá tương đương nhau, chênh lệch khoảng 4-10%.
Trước việc tiền gửi tăng trưởng chậm trong 3 tháng đầu năm, đến đầu tháng 4, lãi suất huy động của các nhà băng đã bắt đầu tăng trở lại. Tính đến tháng 5, đã có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó một số nơi tăng đến 0,5-0,9%/năm (chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ). Theo giới phân tích, lãi suất huy động đã giảm liên tục trong năm 2023 và đầu năm 2024 xuống mức thấp kỷ lục và nhiều khả năng đã là đáy. Theo đó, dự báo lãi suất huy động sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm 2024, tuy nhiên mức tăng sẽ không quá mạnh do định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn là ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.