Thống kê tháng 4-2024, tại Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần lớn tại Việt Nam - các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) bán ra đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3-2024.
Trong đó, riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 471.000 tấn, tăng 24% so với tháng trước đó.
Theo Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng đáng kể so với tháng trước đó là do nhu cầu xây dựng dân dụng và dự án đầu tư công có tín hiệu tăng dần. Hàng tồn kho ở đại lý và các nhà phân phối xuống thấp nên nguồn hàng nhập thêm phục vụ thị trường đang trở lại khá tốt.
"Điều này đã giúp tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát ở cả 3 miền đều tăng, mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở miền Bắc với 73%, miền Trung 37%" - đại diện Hòa Phát thông tin.
Đại lý, nhà phân phối thép cho hay giá thép xây dựng cũng đã có những động thái phục hồi khi các nhà sản xuất thông báo tăng giá theo nhiều phương thức điều chỉnh khác nhau. Vì thế, thị trường kỳ vọng giá và nhu cầu tiêu thụ thép nội địa sẽ tiếp tục cải thiện trong tháng 5-2024.
Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) nhận định thị trường thép xây dựng nội địa đã nóng dần lên khi một số nhà máy thông báo cắt hỗ trợ giá bán thép thanh vằn CB4, CB5 ở mức từ 50.000 - 100.000 đồng/tấn.
Việc tăng giá thép xây dựng của các nhà sản xuất trong những ngày cuối tháng 4-2024 diễn ra nhỏ lẻ, với phương thức điều chỉnh tăng giá khác nhau. Tuy nhiên, đây được coi là những tín hiệu khởi đầu cho khả năng tăng giá đồng loạt trong thời gian tới.
Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra thép mạ bán phá giá từ Trung Quốc và Hàn Quốc
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin đã tiếp nhận hồ sơ của các công ty đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Cơ quan này đã nhận hồ sơ yêu cầu từ ngày 19-4. Đến ngày 3-5, Cục Phòng vệ thương mại xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ. Trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Trước đó, Formosa và Hòa Phát nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc (thép Trung Quốc), đe dọa sản xuất trong nước.
Ngược lại, đến nay có 12 doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng chưa có cơ sở để điều tra chống phá giá.