Aeon nhận định Việt Nam là một trong hai thị trường trọng điểm bên cạnh Nhật Bản trong chiến lược đẩy mạnh đầu tư. Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để xây dựng hệ sinh thái mang tới nhiều giá trị cho các bên liên quan, thông qua việc tích hợp ba trụ cột kinh doanh cốt lõi, gồm: phát triển trung tâm mua sắm, kinh doanh bán lẻ tổng hợp và kinh doanh dịch vụ tài chính.
Để hiện thực hóa mục tiêu, doanh nghiệp hướng tới gia tăng điểm chạm với người tiêu dùng Việt Nam thông qua tăng tốc khai trương địa điểm kinh doanh mới, tối đa hóa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số, phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng như Topvalu, Hóme Cóordy, My Closet... cũng như tiếp tục chung tay cùng cộng đồng cho sự phát triển bền vững.
Mở mới trung tâm mua sắm, siêu thị
Đến cuối năm 2024, dự kiến tổng số địa điểm kinh doanh của các công ty thành viên trong Tập đoàn Aeon tại Việt Nam sẽ lên tới hơn 160 địa điểm, bao gồm các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi trẻ em...
Trong đó, Trung tâm Mua sắm Aeon Huế sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay, đây là bước tiến đầu tiên của tập đoàn vào thị trường miền Trung sau khi chinh phục tại miền Bắc và miền Nam; ba trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị khác cùng các siêu thị Aeon MaxValu cũng sẽ liên tục khai trương trong năm nay. Doanh nghiệp đồng thời nâng cấp các siêu thị Citimart ở khu vực phía Nam để mang đến trải nghiệm mua sắm thuận tiện và tiết kiệm hơn cho khách hàng.
Theo ông Furusawa Yasuyuk, thành viên ban giám đốc điều hành của Tập đoàn Aeon phụ trách thị trường Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Aeon Việt Nam chia sẻ, năm 2024, Aeon Việt Nam có kế hoạch mở mới đa dạng các điểm mua sắm với nhiều mô hình và quy mô khác nhau. Không chỉ nằm trong các trung tâm mua sắm của Aeon, doanh nghiệp đồng thời mở rộng và phát triển thêm tại các trung tâm thương mại của các đối tác khác. "Về diện tích mặc dù khác nhau, tất cả các điểm bán lẻ của Aeon Việt Nam đều đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng từ thực phẩm, gia dụng, mẹ và bé, thời trang...", ông Furusawa Yasuyuki nói thêm.
Đẩy mạnh thương mại điện tử Aeon Eshop
Bên cạnh tăng điểm tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, tập đoàn sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử. Trong đó, triển khai hệ thống tích điểm chung của tất cả các công ty thuộc tập đoàn tại Việt Nam nhằm mang lại sự tiện lợi và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Trước đó, tháng 10/2023, nhà bán lẻ Nhật Bản này đã ra mắt diện mạo mới cùng nhiều tính năng mới cho trang thương mại điện tử Aeon Eshop. Với những cải tiến này, Aeon Việt Nam kỳ vọng mức tăng trưởng của Aeon Eshop sẽ đạt khoảng 20% vào năm 2024 và 50% ở các năm tiếp theo.
"Chúng tôi mong rằng, khách hàng mua sắm trực tiếp hoặc trực tuyến đều sẽ có trải nghiệm như nhau", ông Furusawa Yasuyuki kỳ vọng. Với hình thức mua sắm trực tuyến, Aeon cải thiện các tiện ích, chức năng như người mua có thể hẹn giờ giao hàng, hay đối với các mặt hàng tươi sống hay thực phẩm dùng trong ngày, công ty sẽ có đội ngũ giao hàng riêng để đảm bảo chất lượng tươi sống của sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh nhất.
Đẩy mạnh sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam
Về chiến lược sản phẩm, Aeon đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam, nhằm phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu, từ đó hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến những thị trường khác.
Năm 2023, tập đoàn đã thử nghiệm xuất khẩu một số sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam như bún, miến sang thị trường Malaysia, Hong Kong và được đánh giá cao. Điều đó cho thấy tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm nhãn hàng riêng là rất lớn. Như vậy, việc tăng cường sản lượng sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất trong nước để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ đem lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất trong nước và góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.
Trong năm 2024, Aeon Việt Nam sẽ bổ sung danh mục các nhóm sản phẩm mới; chuyên môn hóa khu vực bán hàng với các cửa hàng chuyên doanh, tập trung bán một nhóm sản phẩm, phục vụ nhu cầu chuyên biệt như My Closet, Sport & Activity, Hóme Cóordy (đồ nội thất, gia dụng...) để gia tăng sự tiện lợi và trải nghiệm mua sắm của khách hàng khi tìm kiếm các nhóm hàng đáp ứng đúng từng loại nhu cầu chuyên biệt.
Bên cạnh chiến lược mở rộng kinh doanh, Aeon Việt Nam cũng chú trọng các hoạt động phát triển bền vững, dựa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội, môi trường.
Song song, tập đoàn tăng cường các hoạt động kết nối với cộng đồng địa phương, như sẽ ra mắt câu lạc bộ Aeon Cheers - một hoạt động đã được triển khai từ lâu tại Nhật Bản nhằm mang đến cho các em thiếu nhi các chương trình học tập và trải nghiệm thực tế tại các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị của Aeon, giúp các em có cơ hội vừa vui chơi vừa tìm hiểu về các vấn đề môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, Aeon đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Năm nay, Aeon Delight Việt Nam (công ty chuyên về quản lý tòa nhà và cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường), Aeon Mall Việt Nam (công ty chuyên phát triển các trung tâm mua sắm) và Aeon Việt Nam sẽ phối hợp thực hiện các hoạt động về môi trường và quản lý vấn đề chất thải.
Việt Nam là thị trường trọng điểm, quan trọng thứ hai sau Nhật Bản, Tập đoàn Aeon không chỉ tập trung vào các kế hoạch mở rộng kinh doanh mà còn mong muốn đồng hành phát triển cùng xã hội Việt Nam. "Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tăng tốc đẩy mạnh các hoạt động phát triển bền vững, tăng cường phối hợp nhiều hơn nữa với các bên liên quan trong việc xây dựng doanh nghiệp tiên tiến kinh doanh bền vững tại Việt Nam", ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.