Tại báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam lưu ý, theo báo cáo tài chính cuối quý 4/2022, một số ngân hàng đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn liên ngân hàng, điều này có thể khiến các ngân hàng này đối mặt với rủi ro thiếu thanh khoản nếu có sự thay đổi đột ngột về điều kiện thị trường. Tuy nhiên, nhóm phân tích dự đoán rủi ro sẽ được giảm thiểu một phần, vấn đề thanh khoản trong hệ thống tài chính sẽ được cải thiện trong năm 2023.
Cụ thể, những ngân hàng có tỷ lệ nguồn vốn liên ngân hàng cao gồm có Kienlongbank, SeABank, Techcombank, MSB, VPBank,…
Về tỷ lệ dự trữ tiền mặt (CRR), MB, BIDV, Vietcombank đang có tỷ lệ cao hơn đáng kể so với các ngân hàng khác. Tỷ lệ này dựa trên số dư tiền mặt tại Ngân hàng Nhà nước chia cho tổng tiền gửi của khách hàng và các tổ chức tín dụng khác. Tỷ lệ CRR cao cho thấy ngân hàng có thanh khoản tốt. Theo bảng xếp hạng tỷ lệ CRR của Yuanta, theo sau 3 ngân hàng trên là SeABank, TPBank, HDBank, VIB, LienVietPostBank,…
Cũng tại báo cáo này, Yuanta đã đưa ra bảng xếp hạng 27 ngân hàng theo mô hình CAMEL dựa theo 5 tiêu chí: Capital Adequacy (hệ số an toàn vốn), Asset Quality (Chất lượng tài sản), Management (Quản trị), Earnings (khả năng sinh lời), Liquidity (Thanh khoản).
Trong đó, Vietcombank, Techcombank, ACB và MB vẫn giữ vị thế TOP 4 trong bảng xếp hạng. ACB và Vietcombank tiếp tục có chất lượng tài sản ổn định thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu (NPL) thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao. Cụ thể, hai ngân hàng này không/hoặc gần như không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, điều này sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trước những lo ngại liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.