Công nghệ

Ngân hàng là ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất

Tại sự kiện Smart Banking 2022, diễn ra ngày 11-12/10 ở Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là "huyết mạch" của nền kinh tế. Do đó, tại Nghị quyết 52, ngân hàng được xác định là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Ông cũng chỉ ra một số thành tựu mà ngành ngân hàng Việt Nam đạt được thời gian qua về chuyển đổi số như: là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của ngành (11/5), ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Quý

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lưu Quý

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết trong thời gian qua, nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Theo ông, nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%. Các công nghệ phổ biến của Cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn... đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số.

Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN khẳng định ngành ngân hàng đã có nhiều hành động thiết thực trong hoạt động chuyển đổi số. Nhiều thông tư, nghị định được ban hành như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản và phát hành thẻ bằng phức điện tử (eKYC), nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, các tiêu chuẩn về QR code, thẻ chip, bảo mật thông tin. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã nâng cấp hạ tầng thanh toán vận hành theo chuẩn quốc tế, có khả năng kết nối các hệ thống thanh toán xuyên biên giới, ứng dụng các công nghệ mới trong xử lý dữ liệu, đồng thời kết nối, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7,24% về số lượng và tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá trị bình quân 900 nghìn tỷ đồng/ngày.

Tại sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng hồi tháng 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ngân hàng trước đây từng đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và đến nay tiếp tục đi đầu về chuyển đổi số.

"Ngân hàng là ngành đầu tiên có ngày chuyển đổi số của ngành. Một lần nữa ngành Ngân hàng lại đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới để đổi mới. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Ngành Ngân hàng mà chuyển đổi số nhanh thì sẽ thúc đẩy cả nước chuyển đổi số nhanh", ông nói.

Những thách thức trong chuyển đổi số ngân hàng

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục của ngành. Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, pháp luật, cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

"Cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", ông Tuấn Anh nói.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, đánh giá, dù đã có kết quả bước đầu khả quan trong chuyển đổi số, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức. Trong đó, xu hướng tội phạm công nghệ cao từ khắp nơi trên thế giới, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, là một trong những thách thức lớn, bên cạnh các bài toán về đầu tư hiệu quả hay sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

Về vấn đề lừa đảo liên quan đến tài khoản ngân hàng của người dùng, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc VinCSS, nhận định các vụ tấn công có xu hướng tăng về số nạn nhân cũng như mức độ thiệt hại. "Nguyên nhân ban đầu được quy về nhận thức của người dùng, từ đó tập trung cảnh báo, tuyên truyền để mọi người nâng cao nhận thức. Nhưng sau đó, nạn nhân vẫn ngày càng nhiều và thiệt hại càng lớn", ông Trác nói.

Theo chuyên gia bảo mật của VinCSS, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là ngành tài chính - ngân hàng luôn là mục tiêu số một của của tin tặc do nguồn tiền lớn, khiến kẻ xấu sẵn sàng gia tăng đầu tư các hình thức tấn công, phổ biến như phishing, mã độc, tấn công phi kỹ thuật. Các ngân hàng cũng đang chạy đua chuyển đổi số, nhưng một số nơi chưa thật sự quan tâm và đầu tư có chiều sâu về bảo mật, làm gia tăng bề mặt tấn công, tạo cơ hội cho tin tặc. Ngoài ra, tin tặc cũng chuyển hướng tấn công nhắm vào mắt xích yếu nhất của chuỗi bảo mật là người dùng cuối.

"Công nghệ định danh và xác thực mà phần lớn các ngân hàng Việt Nam đang sử dụng không đủ bảo vệ triệt để người dùng khỏi các kiểu tấn công phổ biến", ông Trác nói. Theo ông, các hình thức như xác thực phổ biến hiện nay dựa trên mật khẩu và OTP đã lỗi thời, cần được thay thế bằng giải pháp mới tiên tiến hơn.

Ông Lê Hồng Việt, CEO FPT Smart Cloud, cũng đánh giá các công nghệ mới như AI đang được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của ngân hàng từ chăm sóc khách hàng đến quản trị rủi ro, vận hành. Tuy vậy, có ngân hàng dễ dàng triển khai AI, nhưng cũng có bên thận trọng do liên quan đến vấn đề dữ liệu, con người... Theo ông, các ngân hàng và tổ chức tài chính nên mạnh dạn thử nghiệm những công nghệ mới như AI và Cloud bởi còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, nhưng cũng cần cơ chế đánh giá hiệu quả, rủi ro khi triển khai, đi cùng với chiến lược sáng tạo công nghệ xuyên suốt.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loài