Động thái của KBank cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước. "Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ lâu đời và bền chặt. Chúng ta đã hợp tác trên nhiều phương diện, bao gồm thương mại, đầu tư, và du lịch. Việt Nam nằm trong top 5 đối tác thương mại quan trọng của Thái Lan, trong khi Thái Lan cũng nằm trong top 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam", đại diện Kbank nhấn mạnh.
Ngân hàng Kasikornbank (KBank) của Thái Lan trong tuyên bố mới đây sẽ thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Với mục tiêu đầu tư hơn 2,7 tỷ baht (khoảng 75 triệu USD) củng cố mạng lưới dịch vụ trong nhóm AEC + 3 (các nước ASEAN cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), đã cam kết mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam để phục vụ khách hàng trên tất cả các phân khúc với các dịch vụ kỹ thuật số đa dạng.
Riêng thị trường Việt Nam, KBank đặt mục tiêu giải ngân khoảng 20 tỷ baht (~560 triệu USD) và thiết lập mạng lưới khách hàng cá nhân là 1,2 triệu người vào năm 2023. Trong đó, Việt Nam theo đánh giá của KBank là thị trường rộng lớn với tỷ lệ người trẻ ngày càng tăng - động lực chính thúc đẩy mở rộng nền kinh tế.
Được biết, Kbank được thành lập bởi gia tộc Madam Pang, là ngân hàng lớn thứ ba của Thái Lan tính theo tổng tài sản (124,3 tỷ USD) và đứng thứ hai về tổng dư nợ cho vay (73,8 tỷ USD). KBank đã có mặt tại 16 quốc gia, sở hữu 20 triệu khách hàng và doanh thu hơn 8,3 tỷ USD vào năm 2021.
Ngân hàng này được thành lập năm 1945 bởi ông Choti Lamsam. Cháu trai của nhà sáng lập là Banthoon Lamsam đã kế tục việc điều hành trong 28 năm trước khi rời ghế chủ tịch vào năm 2020 để nghỉ hưu. Tính đến tháng 6/2022, ông Banthoon Lamsam và gia đình có tài sản 1,19 tỷ USD, giàu thứ 29 tại Thái Lan theo thống kê của Forbes.
Ngân hàng đến nay đã có mặt ở 9 quốc gia. KBank tại Việt Nam là Chi nhánh thứ 10 của Ngân hàng. Chi nhánh KBank được cấp phép với số vốn 80 triệu USD và là chi nhánh ngân hàng Thái Lan thứ 3 có mặt tại đây cùng với Bangkok Bank và The Siam Commercial Bank. Madam Pang - người nhận được nhiều sự chú ý với vai trò trưởng đoàn Thái Lan ở Seagame 31 - cũng tham dự sự kiện này. Phát biểu tại đây, Madam Pang nói: "Việt Nam với tôi là một định mệnh".
Tại Việt Nam, KBank còn thành lập công ty KBTG Việt Nam, công ty con thuộc Tập đoàn Công nghệ Kinh doanh Kasikorn, hoạt động như một trung tâm nghiên cứu và phát triển các hệ thống Công nghệ Thông tin nhằm hỗ trợ và mở rộng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ở cấp khu vực.
Ghi nhận, kinh tế của ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng hướng tới cuộc sống kỹ thuật số. Trong đó, Chủ tịch Kbank - ông Pipit Aneaknithi đặc biệt nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN nhờ tiềm năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Sau dịch Covid-19, Việt Nam đang duy trì sự ổn định của nền kinh tế và nợ công ở mức dưới 60% GDP. Việt Nam cũng được đánh giá có triển vọng đầy hứa hẹn và sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030, hướng tới trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao vào năm 2045.
Chưa kể, chính sách của Chính phủ Việt Nam là thúc đẩy đất nước trở thành một trung tâm công nghệ mới của châu Á. Việt Nam có dân số gần 100 triệu người và tương đối trẻ, phần lớn trong độ tuổi lao động, tầng lớp trung lưu cũng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Trong vòng 3 năm tới, dự kiến tiêu thụ nội địa tại Việt Nam sẽ tăng 7%/năm. Ngoài ra, chi tiêu qua các nền tảng kỹ thuật số ngày càng phổ biến ở Việt Nam, bằng chứng là hơn 50% người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
Với những luận điểm trên, KBank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam cung cấp các "giải pháp sản phẩm số" hoàn chỉnh cho tất cả các phân khúc khách hàng, đồng thời có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang các sản phẩm và dịch vụ mới.
Động thái của KBank cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước. Được biết, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 8 tại Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở ASEAN. "Việt Nam và Thái Lan có mối quan hệ lâu đời và bền chặt. Chúng ta đã hợp tác trên nhiều phương diện, bao gồm thương mại, đầu tư, và du lịch. Việt Nam nằm trong top 5 đối tác thương mại quan trọng của Thái Lan, trong khi Thái Lan cũng nằm trong top 10 đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Các dự án đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã vượt mốc 600 dự án, và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Việc hợp tác không chỉ dừng lại ở mức độ song phương mà còn mở rộng sang hợp tác đa phương, ví dụ Chương trình Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê-kông mở rộng, và ACMECS", đại diện Kbank nhấn mạnh.
Dữ liệu từ VCCI cũng cho thấy, trong khi tình hình kinh tế khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn, Việt Nam và Thái Lan vẫn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác chặt chẽ nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược, nhất là khi hai nước cơ bản chuyển sang trạng thái "bình thường mới", thích ứng an toàn với dịch bệnh. Đặc biệt, hợp tác thương mại và đầu tư đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt gần 19 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD. Hai nước đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025.
Về quan hệ đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Thái Lan xếp thứ 9 trên 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 654 dự án, tổng vốn đăng ký trên 13 tỷ USD và Việt Nam đã có 15 dự án đầu tư vào Thái Lan, tổng vốn đăng ký trên 32 triệu USD.
Ở góc độ địa phương, Tp.HCM tiếp tục là đối tác quan trọng của Thái Lan. Về thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa Tp.HCM và Thái Lan năm 2021 đạt hơn 2,8 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến hết năm 2021, Thái Lan có 235 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 482 triệu USD, xếp thứ 12 trên 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Tp.HCM.