Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm từ mức 2,6%/năm trước đó xuống còn 2,2%/năm, tương ứng mức giảm 0,4 điểm %. Với kỳ hạn 3 – 5 tháng, lãi suất giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm, giảm 0,5 điểm %. Ở kỳ hạn 6 – 11 tháng, lãi suất cũng giảm 0,5 điểm %, xuống còn 3,5%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất được giữ nguyên ở mức 5%/năm, ngang bằng với BIDV và VietinBank nhưng cao hơn 0,2 điểm % so với Vietcombank.
Tương tự, ở kỳ hạn 24 tháng, Agribank cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,3%/năm.
Đây là đợt giảm lãi suất thứ 2 của Agribank kể từ đầu tháng 12. Sau nhịp điều chỉnh trên, hiện lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng của Agribank đã về ngang Vietcombank – Ngân hàng có biểu lãi suất thấp nhất hệ thống. So với mức đỉnh điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động tại Agribank đã giảm 2,1 – 2,9 điểm % ở tất cả các kỳ hạn.
Agribank là ngân hàng có mạng lưới giao dịch và số lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống. Số liệu mới nhất được ngân hàng này công bố cho thấy, đến cuối tháng 6, Agribank nhận hơn 1,686 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng - cao hơn nhiều so với các ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là BIDV (1,546 triệu tỷ), Vietcombank (1,327 triệu tỷ) và VietinBank (1,31 triệu tỷ). Do đó, việc nhà băng này giảm lãi suất sẽ thúc đẩy các động thái tương tự tại các ngân hàng trong hệ thống, qua đó có thể kéo mặt bằng lãi suất huy động giảm thêm.
Theo các chuyên gia, do tăng trưởng tín dụng rất chậm nên các ngân hàng không gặp phải áp lực huy động vốn, dẫn đến việc liên tục hạ lãi suất huy động. Thông tin mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,87% so với cuối năm 2022, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 14%.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn trung bình toàn hệ thống giảm từ 2 điểm % đến 2,9 điểm %, tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, mức giảm này chưa được phản ánh hoàn toàn khi chi phí huy động tiền gửi mới chỉ hạ 0,1 điểm % từ đỉnh.
Theo đánh giá của VCBS, hiện mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu về mốc trước địch COVID-19 và còn ít dư địa để giảm thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống. Bên cạnh đó, quá trình xử lý trái phiếu doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực, với điều kiện tiên quyết để quá trình này diễn ra nhanh hơn là lãi suất huy động duy trì ở mức thấp.