Doanh nghiệp

Biển Đỏ bất ổn, cổ phiếu vận tải biển Việt Nam hưởng lợi

 

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do những bất ổn tại khu vực biển Đỏ, nơi đang bị phiến quân Houthi tấn công, giá cước vận tải biển và hàng không đều đang tăng chóng mặt khi hàng trăm tỷ USD hàng hoá bị mắc kẹt.

Các động thái của phiến quân này làm tăng thêm rủi ro đối với các chuỗi cung ứng hàng hóa qua kênh đào Suez, nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, nơi có khoảng 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu và là con đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á.

Công ty phân tích hàng hải MarineTraffic cho biết lưu lượng giao thông qua eo biển Bab al-Mandab nổi Biển Đỏ với Vịnh Aden đã giảm 14% trong khoảng thời gian từ ngày 15-19/12, so với các ngày từ 8-12/12.  

CNBC ghi nhận được thông tin các nhà quản lý logistics đã được thông báo giá cước cho một container 40 feet đi từ Thượng Hải đến Anh chạm mức 10.000 USD. Giá cước của tuần trước đó cho loại này chỉ 2.400 USD. 

“Chúng tôi cho rằng sự kiện này sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn khi đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới có xu hướng tăng cao”, chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định gần đây.

Chuyên gia PSI cho rằng việc vận chuyển hàng hóa bằng các tàu hàng hải sẽ còn gặp nhiều trở ngại. Do vậy, giá dầu và giá cước vận tải biển toàn cầu vẫn được dự báo tăng trong ngắn hạn, tạo ra tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển như PVT, VSC, HAH. 

Nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk đã tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa thông qua kênh đào Suez để lựa chọn con đường đi qua Mũi Hảo Vọng dù mất thêm 10 ngày so với thông thường. Tổng mức chi phí phát sinh cho mỗi tàu ước tính khoảng 400.000 – 1 triệu USD.

Theo đánh giá của PSI, yếu tố này sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực tới giá cước vận tải đối với nhiều loại tàu như tàu container, tanker, tàu chở hàng rời.

Chỉ số BDI đã có lúc đạt tới 3.346 vào đầu tháng 12, tăng gấp đôi so với 1 tháng trước đó, trong khi chỉ số WCI cũng tăng 4,1% trong tuần 7-14/12, đạt 1.521 USD/thùng 40ft. Tuy nhiên, chỉ số này có khả năng vẫn chưa phản ánh toàn bộ mức tăng giá cước trên thực tế.

Tình hình bất ổn cũng làm giá dầu Brent đã tăng khoảng 6,7% trong 2 tuần vừa qua, tiến sát mốc 80 USD/thùng. Khu vực châu Âu được cho là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi kênh đào Suez bị gián đoạn, bởi 1/4 lượng dầu nhập khẩu tại đây đều đi qua kênh đào này. 

Các công ty vận tải biển cũng đang được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô khác. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết giá cước tàu chở dầu thô và tàu chở LPG đang có xu hướng tăng do nhu cầu đi lại tăng cao, cũng như hoạt động nhập khẩu dầu thô và LPG mạnh mẽ từ Mỹ và Nga.

Ngành công nghiệp lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang được mở rộng nhờ nhập khẩu dầu thô rẻ từ Nga. Do đó, nhu cầu vận chuyển các sản phẩm hóa dầu từ các quốc gia này đến các quốc gia châu Á khác cũng như EU và Mỹ gia tăng. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm