Cây cầu thép ước tính nặng ít nhất 60 tấn, tọa lạc tại huyện Skopinsky, TP Skopin thuộc tỉnh Ryazan, cách thủ đô Moscow khoảng 200 km về phía Đông Nam. Theo đài RT ngày 27-7, vụ cây cầu thép biến mất bí ẩn được nhà hoạt động địa phương Svetlana Konovalova tiết lộ đầu tiên.
Bà Konovalova cho biết cây cầu đã được một công ty đường sắt địa phương tư nhân hóa. Công ty này có tất cả các giấy tờ cần thiết để chứng minh quyền sở hữu đối với cây cầu.
Tuy nhiên, một nhóm người không rõ danh tính được cho là đã tìm thấy các tài liệu nêu rõ rằng cây cầu này không thuộc về ai, và tiến hành tháo dỡ.
Khi cây cầu bất ngờ "mất tích", chủ sở hữu thực sự của cây cầu đã yêu cầu cảnh sát điều tra vụ việc.
Theo bà Konovalova, nhóm trộm cầu và công ty sở hữu thực sự đã biết nhau trước đó và từng thỏa thuận mua bán nhưng không thành công.
Sở cảnh sát địa phương ngày 26-7 xác nhận đã nhận được đơn khiếu nại về "vụ trộm phần cấu trúc bằng kim loại của một cây cầu đường sắt không còn hoạt động". Cảnh sát thông báo mở một cuộc điều tra hình sự.
Một kênh Telegram địa phương đã chia sẻ những hình ảnh về hiện trường vụ trộm cây cầu, cho thấy hai cột bê tông lớn đứng trơ trọi trên một con sông.
Bà Konovalova mô tả cây cầu bị đánh cắp là "một công trình khổng lồ thời Liên Xô". Bà Konovalova tỏ ra rất ngạc nhiên khi không ai chú ý khi việc tháo dỡ có thể mất tới vài ngày. Bà cũng kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật đưa thủ phạm ra trước công lý và bắt họ xây dựng lại cây cầu.
Kênh Mash trên Telegram đưa tin không lâu sau, phần kim loại của cây cầu đã xuất hiện tại một điểm thu gom phế liệu. Nhóm trộm cầu kiếm được 15.000 USD khi đem cây cầu bán sắt vụn. Tuy nhiên, giá trị thực của cây cầu ước tính lên đến 3,5 triệu USD.
Kênh Mash tiết lộ thêm người bán cây cầu là một người đàn ông địa phương 37 tuổi. Thực ra, người đàn ông này chỉ là người được nhóm trộm thuê để ký giấy tờ mua bán và được trả công 60 USD.
Cảnh sát xác nhận với hãng thông tấn TASS rằng cây cầu đã ngừng hoạt động. Đồng thời, cảnh sát cho biết tuyến đường sắt này không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nhà nước.
Theo kênh Mash, người dân địa phương sử dụng cây cầu như một lối tắt đến các khu định cư khác gần đó.