Lộ diện người điều hành Quốc Cường Gia Lai thay nữ CEO vừa bị bắt
Ngày 23/7, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (mã chứng khoán: QCG) có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố thông tin về việc bổ sung nội dung họp đại hội cổ đông thường niên 2024 và thay đổi người đại diện theo pháp luật của QCG.
Theo đó, Quốc Cường Gia Lai bổ sung nội dung, trình cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị QCG đối với bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc QCG. Bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Nguyễn Thị Như Loan) làm thành viên Hội đồng quản trị QCG nhiệm kỳ 2022-2027.
QCG cũng thay đổi người đại diện pháp luật sang cho ông Nguyễn Quốc Cường. Ông Cường sẽ đảm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai.
Ông Nguyễn Quốc Cường năm nay 42 tuổi. Ông Cường từng là thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc và là người công bố thông tin tại Quốc Cường Gia Lai.
Ông Cường được bổ nhiệm giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc QCG vào năm 2006 - khi 24 tuổi, năm 2008 ông vào Hội đồng quản trị của QCG. Tháng 11/2018, ông Nguyễn Quốc Cường bất ngờ rút khỏi tất cả vị trí tại QCG.
Tăng trợ cấp người có công lên cao nhất trước tới nay
Ngày 27/7, người dân cả nước tổ chức nhiều hoạt động tri ân ngày thương binh liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng .
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, cao nhất từ trước tới nay.
Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua (2013-2023), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng.
Gia đình chính sách được nhận 110.000 sổ tiết kiệm với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.412 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Nhiều ‘sếp lớn’ doanh nghiệp bất động sản từ chức
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn gần đây đã chứng kiến việc thay đổi nhân sự cấp cao. Có người thậm chí chỉ ngồi “ghế nóng” trong vài tháng.
Ngày 26/7, Hội đồng quản trị của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã công bố nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Đào Ngọc Thanh kể từ ngày 26/7. Ông Thanh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và vì tuổi cao. Ông Thanh đã giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinaconex từ năm 2019.
Tập đoàn Hà Đô cho biết nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953), người sáng lập và điều hành tập đoàn này từ thập kỷ 90 đến nay.
Một ông lớn địa ốc khác là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thay đổi chủ tịch doanh nghiệp. Theo đó, ông Lương Trí Thìn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 3/7. Sau khi từ nhiệm vị trí đứng đầu Hội đồng quản trị , ông Thìn sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược của DXG.
Cũng trong hệ sinh thái của Đất Xanh, ngày 23/7, ông Phạm Anh Khôi xin rời khỏi các vị trí thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ủy ban Kiểm toán và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI). Ông Khôi nêu nguyên nhân từ nhiệm là vì lý do cá nhân.
Vào đầu tháng 7, ông Phạm Văn Tuyền - Phó Tổng Giám đốc CTCP Sông Đà 11 có đơn từ nhiệm sau 1,5 năm đảm nhận chức vụ. Lý do ông Tuyền xin từ nhiệm do ông nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty. Hội đồng quản trị Sông Đà 11 đã có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền từ ngày 1/7. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Nguyễn Ngọc Khuê, thời hạn 5 năm (2024-2029).
Tỉnh nhỏ nhất nước trở thành quán quân thu hút FDI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/7, có 1.816 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn hơn 10,76 tỷ USD. So với cùng kỳ, số dự án tăng 11,6%, còn tổng vốn đăng ký tăng 35,6%. Các dự án FDI đã giải ngân được khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, có 734 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ.
Giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 2,27 tỷ USD (giảm 45,2% so với cùng kỳ). Riêng tháng 7, tổng lượng vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD.
Các nhà đầu tư FDI đã rót vốn vào 48 tỉnh, thành. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Đây cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận đầu tư ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng.
Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu cả nước do có dự án điều chỉnh vốn lớn 1,07 tỷ USD từ dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư AMKOR Technology Singapore Holding PTE.LTD tại KCN Yên Phong II-C. Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.