Tài chính

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng kỷ lục, một ngành hàng "lạ" mang lại hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu

Hãng Reuters dẫn ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), nền kinh tế Triều Tiên tăng trưởng mạnh vào năm 2023 sau khi suy giảm trong ba năm liên tiếp do thương mại với Trung Quốc tăng lên sau khi các biện pháp kiểm soát biên giới trong đại dịch COVID-19 được nới lỏng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Triều Tiên năm 2023 có khả năng tăng 3,1% theo giá trị thực, mức tăng trưởng phần trăm lớn nhất kể từ năm 2016. Các ước tính của BOK được coi là một trong những chỉ số đáng tin cậy nhất về hoạt động kinh tế ở miền Bắc, nơi không công bố dữ liệu chính thức.

Dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 4,9%, nhanh nhất trong bảy năm, dẫn đầu là sản xuất các mặt hàng kim loại và tóc giả, và ngành xây dựng tăng trưởng 8,2%, lớn nhất kể từ năm 2002, nhờ nhiều dự án nhà ở hơn. Ngành nông nghiệp tăng 1,0%.

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng kỷ lục, một ngành hàng "lạ" mang lại hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu- Ảnh 1.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên vừa có mức tăng trưởng cao nhất nhiều năm.

Ngành công nghiệp chiếm 30,7% nền kinh tế vào năm 2023, trong khi ngành nông nghiệp và xây dựng lần lượt chiếm 22,0% và 11,0%.

Khối lượng thương mại của Triều Tiên tăng 74,6% lên 2,77 tỷ USD vào năm 2023, sau khi tăng trưởng ở mức cao kỷ lục là 123,9% vào năm 2022, khi Triều Tiên bắt đầu nới lỏng kiểm soát biên giới do đại dịch. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 3,25 tỷ USD vào năm 2019 trước khi có COVID-19.

Xuất khẩu của nước này tăng vọt 104,5% vào năm 2023, dẫn đầu là giày dép, mũ và tóc giả, trong khi nhập khẩu tăng 71,3% với nhu cầu phân bón tăng đột biến.

Hồi đầu năm nay, số liệu Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố cho thấy, trong năm 2023, tóc và lông mi giả chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc - đạt 292 triệu USD.

Thương mại với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với Triều Tiên

Thu nhập quốc dân danh nghĩa của Triều Tiên vào năm 2023 ước tính là 1,59 triệu won (1.147,56 USD) bình quân đầu người.

BOK đã công bố ước tính của mình về nền kinh tế Triều Tiên kể từ năm 1991, dựa trên thông tin từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm các cơ quan tình báo và thương mại nước ngoài và dữ liệu từ Bộ Thống nhất của Hàn Quốc.

"Mặc dù các lệnh trừng phạt kinh tế vẫn còn, nền kinh tế đã tăng trưởng nhờ các hạn chế liên quan đến COVID được nới lỏng, tăng trưởng trong thương mại với Trung Quốc và điều kiện thời tiết thuận lợi", một quan chức BOK nói với các phóng viên.

Nền kinh tế Triều Tiên đã suy giảm 0,2% vào năm 2022, 0,1% vào năm 2021 và 4,5% vào năm 2020 trong bối cảnh các hạn chế về COVID-19 và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng kỷ lục, một ngành hàng "lạ" mang lại hàng trăm triệu USD từ xuất khẩu- Ảnh 2.

Tăng trưởng thương mại với Trung Quốc và điều kiện thời tiết thuận lợi là yếu tố tích cực cho kinh tế Triều Tiên.

"Mặc dù các lệnh trừng phạt kinh tế vẫn còn, nền kinh tế đã tăng trưởng nhờ các hạn chế liên quan đến COVID-19 được nới lỏng, tăng trưởng trong thương mại với Trung Quốc và điều kiện thời tiết thuận lợi", hãng tin này dẫn lời một quan chức Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.

"Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá sự phục hồi vào năm 2023 chỉ là tạm thời, nhưng cũng có những yếu tố tích cực, chẳng hạn như khả năng tăng trưởng hơn nữa trong thương mại với Trung Quốc và mở rộng hợp tác kinh tế với Nga", quan chức BOK cho biết.

Bình Nhưỡng và Moscow đã nhất trí vào tháng trước về việc mở rộng hợp tác trong thương mại, kinh tế và đầu tư khi họ ký một hiệp ước phòng thủ chung trong chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Triều Tiên kể từ năm 2000.

Theo BOK, năm 2023, thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc chiếm 98,3% tổng khối lượng thương mại.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm