Danh sách những công ty "cắt đứt" mối quan hệ hoặc xem xét lại hoạt động của họ đang tăng lên không ngừng, khi các chính phủ nước ngoài áp dụng những biện pháp trừng phạt Nga. Một số công ty cho biết rằng rủi ro cả về danh tiếng và tài chính với họ là quá lớn nếu tiếp tục kinh doanh ở Nga. Việc hoạt động ở Nga đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại.
Ngày hôm qua, đồng Rúp giảm tới 30% sau khi Mỹ các hình thức giao dịch với NHTW, cản trở khả năng bán số tài sản dự trữ trị giá 630 tỷ USD.
Đối với một số doanh nghiệp, quyết định rời khỏi Nga là sự kết thúc của nhiều thập kỷ đầu tư sinh lời, dù đôi khi có gặp khó khăn. Các hãng năng lượng nước ngoài lớn đã đổ tiền vào Nga kể từ những năm 1990. Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga là BP Plc cho biết họ sẽ thoái vốn 20% cổ phần trong Rosneft. Đây là động thái có thể xoá bỏ 25 tỷ USD và cắt giảm 1/3lượng dầu khí trên toàn cầu của công ty sản xuất.
Những gã khổng lồ năng lượng tìm lối thoát
Tiếp theo đó liên doanh TNK-BP - sự hợp tác của gã khổng lồ ngành dầu mỏ và một nhóm tỷ phú của Nga sau cuộc chiến kéo dài năm 2012. Theo nguồn tin thân cận, họ cũng đang cân nhắc xem có nên bán cổ phần cho Rosneft hay không.
Sau đó, Shell Plc hôm 28/2 cũng thông báo họ đang trong quá trình chấm dứt mối quan hệ đối tác với Gazprom do nhà nước kiểm soát, bao gồm cả cơ sở khí đốt tự nhiên hoá lỏng Sakhalin-II và sự tham gia trong dự án Nord Stream 2 với trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Equinor ASA - công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy phần lớn do nhà nước sở hữu, cũng thông báo sẽ dần rút khỏi các liên doanh ở Nga, với tổng giá trị của các khoản đầu tư là 1,2 tỷ USD. Theo đó, hiện tại, Exxon Mobil và TotalEnergies là những tập đoàn năng lượng duy nhất còn duy trì hoạt động khoan quy mô lớn ở Nga. Exxon chịu trách nhiệm giám sát Sakhalin-1 cùng Rosneft và các công ty từ Nhật Bản, Ấn Độ, trong khi TotalEnergies có cổ phần đa số trong Novatek - nhà sản xuất khí đốt độc lập lớn nhất của Nga.
Allen Good - chiến lược gia lĩnh vực dầu mỏ tại Morningstar, cho hay: "Tôi không ngạc nhiên nếu có thêm nhiều công ty thông báo rời khỏi Nga. BP đã chịu thêm áp lực từ phía chính phủ Anh, tôi không chắc TotalEnergies sẽ đối mặt với vấn đề tương tự vì mối quan hệ giữa Pháp và Nga lại khác."
Khi Liên Xô tan rã, các công ty nước ngoài đã nhận thấy những cơ hội to lớn. Nga là thị trường mới với hàng triệu người tiêu dùng và nguồn khoáng sản, dầu mỏ dồi dào. Do đó, họ đổ tiền vào để mua, bán và hợp tác với những công ty của Nga.
Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang, xu hướng này đã chững lại. Quỹ quản lý tài sản quốc gia của Na Uy cho biết họ đang đóng băng số tài sản khoảng 2,8 tỷ USD của Nga và sẽ loại khỏi quỹ trước ngày 15/3.
"Muốn rời đi cũng khó khăn"
Trong khi đó, các công ty luật và kế toán lớn cũng có khả năng chịu ảnh hưởng đáng kể. Baler McKenzie cho đến nay là một trong số ít công ty luật công khai cho biết sẽ chấm dứt mối quan hệ với một số khách hàng Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt. Khách hàng của công ty này, gồm Bộ Tài chính Nga và VTB - ngân hàng lớn thứ 2 của Nga, đều bị đóng băng tài sản và hứng chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Công ty này cho biết họ đang cân nhắc về các hoạt động ở Nga.
Áp lực với những doanh nghiệp khác có doanh thu cao và liên doanh ở Nga cũng gia tăng. Daimler Truck Holding AG - một trong những nhà sản xuất xe thương mại, lớn nhất thế giới, cho biết họ sẽ ngừng các hoạt động kinh doanh ở Nga cho đến khi có thông báo mới và cân nhắc mối quan hệ với liên doanh ở nước này là Kamaz PJSC.
Hãng sản xuất xe tải Volvo Car AB và Volvo AB cũng thông báo họ đang ngừng bán và sản xuất tại Nga. Harley-Davidson cho biết họ đã tạm dừng kinh doanh ở Nga - nơi cùng phần còn lại của châu Âu và Trung Đông chiếm 31% doanh số bán xe máy trong năm ngoái.
General Motors Co. cũng nói rằng họ đang tạm dừng chuyển hàng đến Nga do một số yếu tố bên ngoài, bao gồm chuỗi cung ứng và những vấn đề khác ngoài tầm kiểm soát của họ. Mỗi năm, GM xuất khẩu khoảng 3.000 xe từ Mỹ sang Nga.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác chưa có thông báo mới và đang chứng kiến cổ phiếu sụt giảm mạnh. Cổ phiếu nhà sản xuất ô tô Pháp Renault giảm tới 12% ở phiên 28/2 do các biện pháp trừng phạt có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ở Nga - thị trường lớn thứ 2 của công ty. Còn Ford cho biết họ không có kế hoạch rút khỏi liên doanh ở Nga với Sollers, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Coca-Cola mới đây thông báo, đối tác đóng chai ở châu Âu của họ là Coca-Cola Hellenic Bottling Company đã ngay lập tức đóng cửa hoạt động tại Ukraine do lo ngại về căng thẳng với Nga.
Song, các công ty hàng tiêu dùng có hoạt động quy mô lớn và cơ sở sản xuất ở Nga không thể dễ dàng rời đi, nhưng phải đang đối mặt với trở ngại về tài chính. Trước khi Nga thông báo mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tuần trước, Danone - điều hành doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất Nga và hoạt động ở Ukraine hơn 20 năm, cho biết họ đang cân nhắc một số kế hoạch để ứng phó.
Carlsberg A/S là nhà sản xuất bia lớn nhất ở Nga nhờ sở hữu Baltika Breweries. Người phát ngôn của công ty cho hay, phần lớn chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất và khách hàng của Baltika đến từ Nga. Điều này giúp họ phần nào tránh được tác động từ các lệnh trừng phạt, nhưng cho đến nay vẫn chưa thể ước tính toàn bộ hậu quả trực tiếp hay gián tiếp từ những động thái đó.
Tham khảo Bloomberg