Chứng khoán

Xung đột Nga - Ukraine đổ thêm dầu vào lửa, "bóng ma lạm phát" bắt đầu gây ám ảnh lên sàn chứng khoán Việt: Lo tiền rời đi?

Xung đột Nga -Ukraine đổ thêm dầu vào lửa vào cơn bão lạm phát

Cuộc chiến Nga - Ukraine cùng các lệnh cấm vận từ Mỹ, EU và các nước đồng minh đã đẩy đẩy giá dầu, than… tăng chóng mặt. Tính đến 22h45 ngày 1/3, giá dầu WTI đã vượt 103 USD, tăng 8% trong phiên giao dịch, dầu Brent tăng 7,6% vượt 105 USD/thùng. Giá than đã vượt 270 USD/tấn…. Hàng hoá tăng phi mã, đặc biệt dầu, than là nguyên liệu đầu vào của nhiều doanh nghiệp/ngành kinh tế. Lạm phát của Mỹ đã đạt kỷ lục 40 năm, Anh cũng đạt mốc cao lịch sử... Do đó, cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá hàng hoá phi mã như một cú đổ đầu vào ngọn lửa lạm phát vốn đang cháy bừng bừng. 

"Bóng ma" lạm phát đang bao phủ toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá xăng dầu lên mức cao nhất lịch sử, cụ thể xăng E5RON92 tăng 545 đồng, không cao hơn 26.077 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 547 đồng lên mức 26.834 đồng/lít; Dầu Diesel cũng tăng 509 đồng lên 21.310 đồng/lít…

Giá gas bán lẻ trong nước lại tăng vọt thêm 42.000 đồng đối với mỗi bình gas 12kg, tương đương với mức tăng 3.500 đồng mỗi kg, kéo theo giá bán lẻ gas trong nước lại leo lên mức trên 500.000 đồng mỗi bình 12kg.

Tổng cục Thống kê cho hay, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước; tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021.

Bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước.

Năm 2022, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%. Với mức độ tăng của CPI 2 tháng năm trong bối cảnh các loại hàng hoá đặc biệt là nhiên liệu như dầu khí, than đá, vật liệu xây dựng… thì để giữ mức CPI ở mức 4% như mục tiêu là không dễ dàng. 

Giới đầu tư cho rằng, Mỹ, EU và các nước đồng minh cấm vận, trừng phạt Nga - quốc gia đang xuất khẩu phần lớn dầu khí, khí đốt, than đá…sẽ là một cú đổ dầu vào lửa, lửa ở đây chính là lạm phát, siêu lạm phát. 

Sẽ có SIÊU LẠM PHÁT nếu chiến tranh kéo dài

Ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund cho rằng nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài, chúng ta sẽ chứng kiến một thời kỳ SIÊU LẠM PHÁT toàn cầu mạnh chưa từng có. Không chỉ Nga nâng lãi suất lên 20% mà sẽ còn có rất nhiều Ngân hàng Trung Ương gặp phải vấn đề khó khăn tương tự khi điều hành lãi suất. Khi giá năng lượng, cụ thể là giá dầu có thể tăng lên 150$/thùng chẳng hạn, rồi các loại ngũ cốc, các loại kim loại, phân bón... tất tần tật đều tăng phi mã. 

"Nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải đối diện với nguy cơ lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập kỷ khi chuỗi cung ứng liên tiếp bị gián đoạn làm cho nguồn cung trở nên phập phù. Đại dịch thuyên giảm làm cho nhu cầu chi tiêu quay trở lại cộng thêm việc bơm tiền trong suốt thời kỳ đại dịch đã chấp cánh cho những biểu giá gia tăng phi mã. Mỹ đã chứng kiến chỉ số lạm phát lên tới 7,5% cao nhất trong hơn 40 năm nay. Khi FED còn đang bàn thảo khi nào tăng lãi suất và tăng bao nhiêu % thì đầu bên kia Nga - Ukraine chiến tranh. Cuộc chiến này như đổ dầu vào lửa cho cơn siêu lạm phát đang được hình thành. Giá cả các tất cả các loại năng lượng, thực phẩm... đều tăng mạnh. Phương Tây và Mỹ còn lên kế hoạch loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Nếu điều này xảy ra thì chúng ta sẽ có thể phải chứng kiến con sóng SIÊU LẠM PHÁT toàn cầu có một không hai trong lịch sử loài người, trong đó châm ngòi chính là giá năng lượng và lương thực", ông Vicente Nguyen nhận định. 

Nhà quản lý quỹ này nhận định, lạm phát kỳ vọng sẽ tăng rất mạnh nếu như cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài dai dẳng. Đằng sau đó là cuộc đối đầu Nga và Mỹ, EU. Các bên trừng phạt, cấm vận, trả đũa nhau và hệ quả sẽ làm giá cả các các mặt hàng như dầu, khí, lương thực tăng cao. Khi giá dầu tăng cao sẽ gây áp lực lạm phát rất khủng khiếp. Và Việt Nam sẽ không thể ngoại lệ. Giá xăng đã tăng mạnh đến mức cao lịch sử gần 27.000 đồng/lít. Điều này gây ra áp lực rất lớn cho lạm phát. Dưới hoàn cảnh này chỉ một số ngành nghề được hưởng lợi trước mắt đó chính là phân bón, khai thác dầu khí và có thể là thép. Nếu lạm phát tiếp tục dâng cao thì khả năng cao Ngân hàng Trung Ương các nước buộc phải tăng lãi suất sớm hơn và quyết liệt hơn khi đó sẽ làm tổn thương đến đà hồi phục kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán. Do dòng tiền sẽ có khả năng rời thị trường chứng khoán, khi đó thị trường sẽ đứng trước áp lực lớn trong ngắn hạn. Nếu lãi suất tăng lên thì có rất ít doanh nghiệp được hưởng lợi, chủ yếu là bảo hiểm vì 90% lợi nhuận của ngành bảo hiểm là đến từ tiền gửi ngân hàng.

Chiến tranh Nga -Ukraine đổ thêm dầu vào lửa, bóng ma lạm phát bắt đầu gây ám ảnh lên sàn chứng khoán Việt: Lo tiền rời đi? - Ảnh 1.

Ông Vicente Nguyen cho rằng thế giới có thể sẽ phải trải qua thời kỳ siêu lạm phát nếu xung đột kéo dài

Trước đó, ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc chiến lược SGI Capital đánh giá lạm phát là một trong những vấn đề mang tính chất tâm lý. Theo đó, 85% dân số Việt nam đều đã trải qua giai đoạn lạm phát cao trên 20% nên nỗi lo về lạm phát luôn thường trực. Rủi ro ngắn hạn của lạm phát đến từ việc giá xăng dầu leo thang nếu xảy ra xung đột địa chính trị tăng cao và kéo dài. Theo đó, trong trường hợp giá dầu tăng cao đủ lâu có thể ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam giống thời kỳ 2013, khi giá dầu dao động trên mức 100 USD. 

Giám đốc chiến lược đến từ SGI Capital dự báo cơ sở lạm phát năm 2022 chỉ dao động ở ngưỡng dưới 4% và chỉ vượt biên độ này khi giá dầu neo cao trong thời gian dài. 

Bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital nhận định rủi ro lạm phát hiện hữu khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra. Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường. Các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu/vận chuyển tăng cao. Rất nhiều các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp do căng thẳng Ukraina-Nga gây ra, ví dụ như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga), có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận. Các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép, khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm