Nhiều bậc cha mẹ biết về tầm quan trọng của việc cho con ngủ riêng nhưng lại băn khoăn không biết thời điểm nào là thích hợp.
Trước vấn đề này, chuyên gia giáo dục Trung Quốc, giáo sư Qian Zhiliang cho rằng, việc cho trẻ ngủ phòng riêng còn tùy thuộc vào giới tính của trẻ và các cột mốc mang tính quyết định.
Trên thực tế, việc cho trẻ ngủ riêng là một quá trình tự nhiên. Khi trẻ cảm thấy an toàn và độc lập, việc cho chúng ngủ riêng sớm cũng không phải là vấn đề lớn. Ngược lại, nếu cho trẻ ngủ riêng trễ cũng không sao. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, có 2 thời điểm cha mẹ nên tránh.
Cho con ngủ riêng cần tránh 2 mốc thời gian
- Khi trẻ vừa mới đi học mẫu giáo
Khi bắt đầu đi học mẫu giáo, trẻ sẽ trải qua cảm giác lo lắng về sự chia ly. Từ việc lúc nào cũng bên cạnh gia đình, nay trẻ buộc phải đến một môi trường hoàn toàn mới, không khó tránh khỏi trẻ có cảm giác sợ hãi.
Một số trẻ sẽ có biểu hiện như tè dầm, chán ăn. Lúc này, nếu cho trẻ ngủ riêng một mình trong phòng, chắc chắn sẽ làm tăng thêm sự sự hãi, ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của trẻ.
- Khi trẻ bắt đầu đi học tiểu học
Một số cha mẹ cảm thấy nếu bây giờ không cho trẻ ngủ riêng sợ rằng sẽ quá muộn. Vì vậy, họ quyết định lấy cột mốc vào tiểu học để bắt buộc trẻ ngủ riêng. Tuy nhiên, họ không ngờ được hành động này lại vô tình làm tổn thương con cái.
Hãy thử tưởng tượng, từ mẫu giáo đến tiểu học, trẻ không chỉ thay đổi môi trường học, mà còn thay đổi giáo viên, bạn bè, thậm chí cách dạy học cũng thay đổi.
Bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, trẻ sẽ phải chịu bao nhiêu áp lực. Nếu là ban ngày, có lẽ trẻ sẽ không sao nhưng vào ban đêm, đối diện với cảm giác một mình trống vắng trong căn phòng, trẻ sẽ sợ hãi, dễ dàng suy sụp.
Khi nào là thời gian tốt nhất để trẻ ngủ riêng?
Nhiều bậc cha mẹ không biết khi nào nên cho con cái ngủ riêng và nhiều chuyên gia giáo dục cũng đưa ra những ý kiến khác nhau. Trên thực tế, không có độ tuổi cụ thể nào để bắt trẻ phải ngủ riêng cho bằng được, đôi khi có thể là 1 tuổi, 4 tuổi hoặc 8 tuổi cũng đều được, miễn là đứa trẻ chấp nhận điều đó.
Nếu trẻ cảm thấy an toàn, không có sự lo lắng hay sợ sệt nào, trẻ hoàn toàn có thể ngủ riêng ngay từ sớm. Hay như một bé trai bước vào lớp 2 đã chủ động nói muốn ngủ riêng vì “các bạn trong lớp đều có phòng riêng, con muốn có” khiến mẹ cậu bé rất ngạc nhiên.
Làm thế nào để giữ cảm giác an toàn cho con cái khi chúng ngủ riêng?
Trên thực tế, nhiều cha mẹ ngại cho con ngủ riêng vì lo sợ điều đó sẽ phá hủy cảm giác an toàn của trẻ. Đặc biệt, khi thấy con cái khóc vì sợ hãi, cha mẹ càng không muốn cho trẻ ngủ riêng sớm. Vậy làm sao để trẻ vẫn cảm thấy mình được an toàn, được yêu thương dù ngủ riêng?
- Trước khi ngủ, cha mẹ và con cái cần tương tác với nhau
Cảm giác an toàn của trẻ đến từ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ chứ không phải việc ngủ chung phòng. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo mình vẫn có sự tương tác, gắn kết với con cái, để chúng cảm nhận được bản thân được yêu thương, chăm sóc mỗi ngày.
Việc trò chuyện với con cái trước khi ngủ, hoặc đợi cho con cái ngủ rồi mới quay trở về phòng là điều cha mẹ nên làm. Bằng cách này, trẻ sẽ có đủ dũng khí để chống lại sự cô đơn và sự sợ hãi trong phòng riêng của mình.
- Duy trì những thói quen trước khi ngủ
Đối với trẻ em, những điều quen thuộc sẽ mang lại cảm giác an toàn cho chúng. Ngay cả khi trẻ ngủ trong phòng riêng, cha mẹ cũng nên duy trì thói quen kể chuyện, đọc sách cho trẻ nghe. Điều này sẽ cho trẻ cảm thấy rằng, việc ngủ riêng cũng không phải là một sự thay đổi quá lớn.