Đó là nhận định của ông Trần Thiên Phước - CEO ứng dụng đầu tư chứng khoán Anfin. Theo ông Phước, có nhiều cơ sở cho dự báo này. Trước hết, khi nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2021, nhiều con số ấn tượng về sự tăng trưởng của nhà đầu tư cá nhân đã được xác lập. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, Việt Nam ghi nhận hơn 1,53 triệu tài khoản mở mới trong năm ngoái, lập kỷ lục khi lớn hơn cả mức lũy kế 5 năm trước. Đà tăng trưởng này có thể tiếp tục kéo dài trong năm nay.
Mặt khác, ông Phước cho rằng, nếu không có yếu tố dịch bệnh, số lượng nhà đầu tư F0 cũng xuất hiện đông đúc như một xu thế tất yếu. Thực tế, thị trường chứng khoán Indonesia, Ấn Độ, Mỹ Latinh... đều chỉ ra xu hướng, khi kinh tế phát triển và hạ tầng công nghệ ngày càng dễ tiếp cận, nhà đầu tư chứng khoán cá nhân ngày càng tăng.
Với Việt Nam, tính đến cuối tháng 1 năm nay, con số 4,4 triệu tài khoản chứng khoán trên dân số gần 100 triệu dân là tỷ lệ rất thấp. Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ dân số tham gia thị trường chứng khoán từ 3% vào năm 2021 lên 5% năm 2025 và 10% năm 2030.
"Không chỉ cá nhân tôi, thực tế nhiều quỹ đầu tư trên thế giới đang tiếp tục đặt cược vào kịch bản này khi những điều kiện tiếp cận thị trường chứng khoán ngày càng rộng mở, thu nhập người dân tăng lên", ông nói.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, dư địa cho thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư cá nhân vẫn rất lớn. Xu hướng thị trường còn tốt, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán. Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường ở Việt Nam còn nhỏ, giá trị giao dịch có đột biến trong năm 2021 những vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Với dự báo tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm, mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020-2021 đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Theo VDSC, điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022 với ước tính bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới.
Khi số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh, nhu cầu cần có các dịch vụ hỗ trợ đầu tư của nhóm này cũng bùng nổ. Năm ngoái, VNDirect, SSI và nhiều công ty môi giới chứng khoán đồng loạt tăng vốn để nâng cấp hệ thống, chớp cơ hội mở rộng tệp khách hàng, đẩy mạnh hoạt động cho vay margin. Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng, việc tăng vốn đã trở thành chủ đề chính cho các công ty chứng khoán trong năm 2021 và cả năm nay.