Tài chính

Nga âm thầm tích luỹ gần 100 tỷ USD tài sản ở nước ngoài trong năm ngoái: Các lệnh trừng phạt của phương Tây có thực sự hiệu quả?

Theo ước tính của Bloomberg Economics, trong số 227 tỷ mà Nga thu về từ xuất khẩu hàng hóa trong năm ngoái, khoảng 1/3 đã được tiết kiệm ở nước ngoài. Số tiền này trở thành một “điểm nóng” mới khi Mỹ cùng các đồng minh vẫn đang tìm cách thắt chặt các biện pháp trừng phạt.

Cụ thể, Nga có khoảng 80 tỷ USD “nằm” rải rác trong các tài sản như tiền mặt, bất động sản và các khoản đầu tư vào thực thể ở nước ngoài. Đây là khoản dự trữ ngầm và là kết quả của thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục, giúp duy trì ngân sách cho Điện Kremlin.

Maria Shagina - một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Anh, cho hay: “Vì châu Âu khá chậm trễ trong việc nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng, nên Nga đã có thể tích luỹ được một trong những khoản thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất trong lịch sử. Điều này trên thực tế lại cho thấy sức ảnh hưởng ít ỏi của việc tài sản của NHTW Nga bị đóng băng vào tháng 3/2022, vì Nga có thể lấy lại được những gì họ đã mất.”

Nga âm thầm tích luỹ gần 100 tỷ USD tài sản ở nước ngoài trong năm ngoái: Các lệnh trừng phạt của phương Tây có thực sự hiệu quả? - Ảnh 1.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga.

Bất kỳ khoản thu nhập mới nào đến từ nước ngoài đều có thể trở thành mục tiêu tiềm năng để các nước phương Tây trừng phạt, đặc biệt là nếu số tài sản đó là do nhà nước kiểm soát. Chính phủ nắm giữ cổ phần trong nhiều nhà xuất khẩu lớn nhất cả nước, nhờ đó Nga đã ghi nhận khoản lợi nhuận “trời cho” vào năm ngoái.

Số tài sản tích luỹ được vào năm ngoái đã đóng góp khoảng 5% vào GDP của Nga. Con số này gần với mức trung bình của giai đoạn 2009-2013 khi giá dầu tăng cao và các biện pháp hạn chế hoạt động giao dịch ngoại hối của Nga cũng bị kiểm soát.

Các nước phương Tây vẫn đặc biệt chú ý đến tài sản ở nước ngoài của Nga, ví dụ như Canada và Đức đã đưa ra ý tưởng sử dụng hàng tỷ USD bị đóng băng để tài trợ cho Ukraine.

Theo Alexander Knobel, chuyên gia tại Học viện Ngoại thương Nga, đối với chính phủ nước này, tài sản tích luỹ ở nước ngoài là nguồn “tài nguyên” có thể được khai thác bằng cách áp thuế đặc biệt với các nhà xuất khẩu. Ông nói thêm, những khoản dự trữ như vậy có thể sẽ được “mang về nước” theo nhiều cách khác nhau.

Krobel cho hay, khi EU giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, có khả năng các khoản tiền ở nước ngoài sẽ thu hút nhiều sự chú ý hơn và trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt.

Nga âm thầm tích luỹ gần 100 tỷ USD tài sản ở nước ngoài trong năm ngoái: Các lệnh trừng phạt của phương Tây có thực sự hiệu quả? - Ảnh 2.

Các khoản tiền gửi và tài sản của Nga ở nước ngoài.

Năm ngoái, các nước phương Tây đã áp lệnh trừng phạt nghiêm ngặt với NHTW Nga, đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ của họ. Theo đó, Nga ít có lựa chọn để đầu tư ngoài đồng nhân dân tệ và vàng. Tài sản của các doanh nhân Nga bị trừng phạt cũng bị đóng băng ở một số khu vực pháp lý phương Tây, khiến họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Khi giá hàng hoá giảm và các lệnh hạn chế mới về xuất khẩu dầu gần đây có hiệu lực, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga cũng giảm mạnh. NHTW Nga dự báo thặng dư tài khoản vãng lai đạt 66 tỷ USD trong năm nay, 48 tỷ USD vào năm 2024 và 41 tỷ USD vào năm 2025.

NHTW Nga ước tính giá trị mua ròng các tài sản nước ngoài trong năm ngoái đạt 107 tỷ USD, song Bloomberg Economics tính toán con số này có thể cao hơn khoảng 21 tỷ USD so với thực tế. Bloomberg Economics đã điều chỉnh ước tính theo chi tiêu du lịch, hoạt động mua bán trên các đội “tàu ma” chở dầu và dòng outflow do người Nga mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài.

Sergei Guriev, nhà kinh tế từng làm cố vấn cho chính phủ Nga, cho hay: “Việc Nga tích luỹ các khoản dự trữ ngầm là hoàn toàn có thể xảy ra. Câu hỏi chính là những khoản này sẽ để bù đắp cho tình trạng thâm hụt ngân sách vào năm 2023 ở mức độ nào.”

Tham khảo Bloomberg 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm