Kinh doanh

Netflix rót tiền vào Thái Lan, Indonesia, Philippines, nhưng Việt Nam vẫn đứng ngoài cuộc chơi

Netflix tăng đầu tư cho Đông Nam Á

Khi Netflix bắt đầu lên kế hoạch cho loạt phim đầu tiên bằng tiếng Bahasa Indonesia vào năm 2018, nền tảng này gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng. Lý do là họ bị chặn bởi nhà cung cấp dịch vụ internet lớn nhất nước này. 

Đến năm 2020, lệnh chặn được gỡ bỏ và bộ phim Gadis Kretek, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, đã ra mắt vào năm ngoái. Với dàn diễn viên và đội ngũ sản xuất hoàn toàn người Indonesia, bộ phim nhanh chóng lọt vào top 10 nội dung không phải tiếng Anh trên Netflix.

6 năm sau khởi đầu khó khăn, Netflix đã phát hành 6 bộ phim từ Indonesia trong năm nay. Ngoài ra, họ còn ra mắt 10 bộ phim từ Thái Lan và một bộ phim về zombie từ Philippines. Một trong những bộ phim Indonesia, Nightmares and Daydreams, thuộc thể loại khoa học viễn tưởng siêu nhiên của đạo diễn Joko Anwar, đã lọt vào top 10 Netflix tại Mỹ khi phát sóng vào tháng 6 năm nay.

Một đoàn làm phim Thái Lan. (Ảnh: Netflix).

Trước đây, Netflix chủ yếu dựa vào nội dung từ Hollywood và Hàn Quốc để thu hút khán giả ở Đông Nam Á. Giờ đây, họ đang tập trung khai thác nội dung từ chính khu vực này để thu hút cả khán giả địa phương và quốc tế. 

Netflix cũng đặt mục tiêu tái hiện thành công toàn cầu của các chương trình như Squid Game từ Hàn Quốc hay One Piece, phiên bản live-action từ loạt manga nổi tiếng Nhật Bản.

Mục tiêu chính của Netflix là mang đến nội dung “đậm chất địa phương” cho người dùng ở Đông Nam Á - bà Minyoung Kim, Phó Chủ tịch phụ trách nội dung khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Ấn Độ), chia sẻ trong một buổi họp báo. 

Ngoài ra, Netflix cũng muốn “đảm bảo những câu chuyện này không chỉ thu hút khán giả trong nước mà còn lan tỏa ra thị trường quốc tế”, bà nói thêm.

Đáng tiếc, Việt Nam chưa được nhắc tới trong chiến lược của Netflix. Trong năm qua, theo đơn vị quan sát phòng vé độc lập Box Office Vietnam, tổng doanh thu phim rạp trong nước năm nay vượt mốc 4.600 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, phim Việt đạt khoảng 1.900 tỷ đồng, chiếm hơn 40%.

Chia sẻ trên VnExpress, các chuyên gia trong ngành điện ảnh cho rằng phim Việt hiện thiếu câu chuyện hay, đội ngũ sáng tạo hiện yếu ở phần kể chuyện.

“Khán giả ngày nay yêu cầu cao hơn về nội dung, chọn lọc phim kỹ. Cốt truyện chặt chẽ, thông điệp rõ ràng và cảm xúc chân thực có thể là những yếu tố then chốt để họ mua vé”, Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nói.

Cơ hội cho các nội dung bản địa

Netflix hiện có hơn 277 triệu người đăng ký trên toàn thế giới, trong đó hơn hai phần ba đến từ bên ngoài nước Mỹ. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đóng góp ít nhất vào doanh thu toàn cầu nhưng lại có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Tính đến ngày 30/6 năm nay, khu vực này ghi nhận hơn 50 triệu người đăng ký, tăng từ khoảng 40 triệu so với cùng kỳ năm trước.

Người dùng tại châu Á yêu thích nội dung quen thuộc. Theo công ty nghiên cứu Media Partners Asia (MPA), khoảng 80% lượt xem trên các nền tảng video cao cấp đến từ nội dung nội địa. Nội dung từ Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế, chiếm 60% mức độ tương tác của người xem. Tuy nhiên, nội dung từ Đông Nam Á đang ngày càng thu hút nhiều khán giả hơn.

Đông Nam Á cũng là nơi có chi phí sản xuất nội dung hợp lý hơn so với Hàn Quốc và Nhật Bản, theo bà Dhivya T, nhà phân tích chính của MPA, nói với Rest of World.

“Bên cạnh sức hút đã được khẳng định của phim Hàn Quốc và anime Nhật Bản, nội dung Thái Lan và Indonesia cũng đang trở thành những lĩnh vực quan trọng”, bà nói. “Phim truyền hình, lãng mạn, hài của Thái Lan và phim kinh dị Indonesia là những thể loại đang có sức hút và khả năng lan tỏa lớn nhất”.

Đông Nam Á từ lâu được biết đến với thế mạnh ở thể loại kinh dị. Tuy nhiên, Netflix cũng đang thử nghiệm các nội dung mới và đạt được kết quả tích cực, ông Aoura Lovenson Chandra, đồng sáng lập Base Entertainment tại Indonesia, nói với Rest of World.

Bộ phim gia đình hồi hộp Hunger của Thái Lan đã đứng đầu bảng xếp hạng top 10 phim toàn cầu (không phải tiếng Anh) của Netflix. Phim truyền hình Master of the House trở thành loạt phim Thái Lan đầu tiên đạt vị trí số một trên bảng xếp hạng toàn cầu của Netflix vào tháng 7. Bộ phim hành động The Shadow Strays của Indonesia đã được trình chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Toronto năm nay và dự kiến sẽ lên sóng Netflix vào tháng tới.

“Khán giả của Netflix rất đa dạng, nên họ sẵn sàng đón nhận mọi thể loại miễn là câu chuyện chân thực”, ông Chandra, người từng làm Giám đốc sản xuất cho bộ phim Cigarette Girl, chia sẻ.

Nội dung từ Đông Nam Á đang thu hút khán giả toàn cầu nhờ chất lượng kịch bản và sản xuất ngày càng được nâng cao. Ông Adam Knee, trưởng khoa mỹ thuật, truyền thông và công nghiệp sáng tạo tại Trường Nghệ thuật LaSalle ở Singapore, nhận định với Rest of World:

“Không chỉ vì mọi người chú ý hơn, mà còn vì kỹ năng sản xuất đã đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, các sản phẩm điện ảnh và truyền hình được ra mắt đều đặn hơn. Nếu đến rạp ở Thái Lan, Singapore, Philippines hay Indonesia, bạn sẽ thấy rất nhiều phim nội địa và khu vực. Điều này không phổ biến cách đây 20 năm”.

Để nuôi dưỡng tài năng mới, Netflix đã tổ chức trại huấn luyện điện ảnh lần thứ hai tại Thái Lan trong năm nay. 76 nhà làm phim trẻ được tham gia đào tạo cùng các đối tác sản xuất của Netflix. Một trại tương tự cũng được lên kế hoạch tổ chức tại Indonesia.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm