Kỹ năng sống

Cô gái giấu danh thủ khoa để xin việc

Không chỉ tốt nghiệp hạng xuất sắc, Như Quỳnh có chứng chỉ tin học văn phòng MOS, tiếng Anh giỏi và đủ các chứng chỉ liên quan đến mảng xuất nhập khẩu.

"Tôi và người nhà đều tin mình nộp CV đâu trúng đó, mức lương khởi điểm phải 15- 20 triệu đồng'', Tạ Như Quỳnh, 24 tuổi, quê Bắc Giang, kể. "Nhưng tôi rải CV nhiều như gieo mạ và trượt dài trong những thư từ chối".

Từ cuối năm 2019, khi đã hoàn thành việc học trên trường, đến tháng 3/2022, Như Quỳnh nộp 61 CV, chủ yếu trong lĩnh vực logistics và xuất nhập khẩu, với những vị trí thông thường như nhân viên nhập khẩu, mua hàng quốc tế, đối ngoại, chăm sóc khách hàng, nhân viên chứng từ, nhân viên làm thủ tục hải quan. Khoảng 50% CV Quỳnh nộp được gọi đi phỏng vấn.

Nhưng tất cả đều từ chối tuyển dụng Như Quỳnh. Hầu hết không phản hồi gì, ngoại trừ một số lần cô được trả lời là "không phù hợp" mà không giải thích lý do.

Như Quỳnh nhận bằng khen thủ khoa ngành Kinh tế quốc tế, học viện Ngoại giao, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Như Quỳnh nhận bằng khen thủ khoa ngành Kinh tế quốc tế, học viện Ngoại giao, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở những lần đầu được gọi đi phỏng vấn, Quỳnh đề nghị mức lương cao nhất trong khoảng nhà tuyển dụng đưa ra. Sau nhiều lần thất bại, cô hạ mức lương ở khoảng giữa, nhưng vẫn bị từ chối. Về sau, Quỳnh đề xuất lương cao hơn 15-20% so với mức thấp nhất và xác định nếu nhà tuyển dụng đề nghị mức cuối cô cũng đồng ý.

Nhưng sau tất cả, Quỳnh vẫn không xin được việc. Trong khi đó, hai người bạn thân cùng lớp đại học đã đi làm cho doanh nghiệp nước ngoài với lương khởi điểm hơn 18 triệu đồng.

Có thời điểm, cô đi phỏng vấn 5 công ty trong một tuần và tin thế nào cũng được một doanh nghiệp gọi đi làm. Kết quả là cô vẫn trượt hết.

"Tôi khủng hoảng đến mức không dám nói chuyện công việc với bạn bè, gia đình và nghi ngờ chính bản thân", Quỳnh nói.

Bất lực trước thực tế, Quỳnh chọn lý do để hợp lý hóa giai đoạn tìm việc là học tiếp lên thạc sĩ. Cô gái 22 tuổi khi đó lại có điểm thi đầu vào cao nhất khóa và được nhận học bổng. Nhưng chuyện này càng khiến sự nghi ngờ bản thân lớn hơn.

"Tôi nghĩ mình chỉ giỏi học chứ không giỏi làm và định rẽ hướng làm giảng viên", Quỳnh nói. Nhưng khát khao được thể hiện mình trong môi trường doanh nghiệp khiến cô không đành lòng từ bỏ.

Giữa thời điểm tuyệt vọng đó, Quỳnh nhớ đến bố, ông Tạ Văn Sách, 56 tuổi, một giáo viên tiểu học. Hồi cô nhập học Học viện Ngoại giao, chỉ sau hai tuần đã nói với bố ý định bỏ học, thi lại trường khác.

Lý do là kỹ năng nghe nói tiếng Anh của Quỳnh kém đến mức giáo viên phải hỏi "What is your university entrance exam score?" (Em được bao nhiêu điểm thi đại học?). Nhưng với câu đó, Quỳnh cũng không nghe được phải nhờ bạn dịch hộ.

Khi ấy, ông Sách khuyên đằng nào năm sau cũng mới thi lại, con cứ dành thời gian nửa năm ở trường đại học, không cần xem nặng điểm số.

Không còn áp lực, Quỳnh thoải mái tâm lý hơn, giao lưu, kết bạn với các anh chị khóa trên, nhờ vậy có phương pháp đúng đắn. Vùi đầu vào học, cô đạt thành tích thủ khoa đầu ra.

Sau này, khi hỏi bố sao không động viên con cố gắng theo đuổi mục tiêu mà đồng ý cho thi lại, ông Sách nói, nếu lúc đó bảo con tiếp tục cố gắng chỉ như "kéo căng thêm sợi dây sắp đứt, làm nó đứt hẳn".

"Thời điểm như vậy nên thả lỏng, chấp nhận đôi lúc bản thân không được như kỳ vọng là rất quan trọng", Quỳnh nhớ lại lời bố, quyết định áp dụng cho thực tại.

Cô nhận ra, trong suốt sự nghiệp, mỗi người đi làm trung bình 40 năm. Trong một, hai năm khởi đầu so với bức tranh lớn trong sự nghiệp, là giai đoạn rất ngắn. Không nên để việc "chưa có thu nhập cao" ảnh hưởng tinh thần, ý chí phấn đấu, năng lực rèn luyện bản thân. Quan trọng, cô cần có kế hoạch lâu dài cho sự nghiệp.

Nghĩ vậy, Quỳnh gửi thư cho 5 doanh nghiệp từ chối mình trong vòng một tuần trước đó, hỏi lý do.

May mắn là một số nhà tuyển dụng trả lời cô thật lòng. Họ nói các vị trí Quỳnh ứng tuyển đều không yêu cầu kinh nghiệm, nhân viên bình thường cũng chỉ cần một, hai tuần có thể thạo việc. Qua phỏng vấn, họ thấy cô có kiến thức phong phú, lại cầu tiến nên không phù hợp với công việc ổn định, thu nhập vừa phải. "Em quá thừa tiêu chuẩn với một nhân viên trẻ cấp thấp nhưng lại thiếu tiêu chuẩn để đảm đương vị trí quản lý (over qualify for fresher, under qualify for senior)", một nhà tuyển dụng nói.

Nghe nhận xét, Quỳnh quyết định xóa danh hiệu "thủ khoa" trong CV. Cô thấy thái độ của nhà tuyển dụng với mình khác hẳn. Trước đây, người phỏng vấn thường ồ lên "thủ khoa cơ à?'. Nay họ nhận xét cô "Em học lực cũng tốt nhỉ". Quỳnh bớt áp lực hơn.

Năm 2022, một công ty tuyển vị trí "nhân viên mua hàng quốc tế", yêu cầu đi làm ngay. Như Quỳnh đề xuất mức lương 8 triệu đồng, vì sợ đề nghị cao hơn sẽ mất cơ hội. Được trả lương 5 triệu đồng kèm điều kiện xét tăng lương hai tháng một lần, Quỳnh đồng ý ngay.

Như Quỳnh trong chuyến công tác Trung Quốc, năm 2023. Ảnh nhân vật cung cấp

Như Quỳnh trong chuyến công tác Trung Quốc, năm 2023. Ảnh nhân vật cung cấp

Khi đi làm, Quỳnh đặt nguyên tắc phải giúp doanh nghiệp kiếm thêm tiền hoặc tiết kiệm tiền, vì chỉ như vậy họ mới tăng lương, thêm thưởng cho mình.

Cô xác định rõ các kỹ năng cần cho công việc nên tập trung trau dồi có chủ đích, cải thiện tiếng Anh chuyên ngành. Giữa năm 2023, Quỳnh học thêm tiếng Trung vì tin đây là ngôn ngữ quan trọng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Cô học các khóa online, tham gia các hội nhóm chia sẻ kiến thức trong ngành, giải đáp các câu hỏi, vấn đề liên quan đến nghiệp vụ để tự rèn khả năng giải quyết vấn đề. Quỳnh cũng xây dựng các mối quan hệ chất lượng trong lĩnh vực của mình và các ngành liên quan để học hỏi cách xử lý vấn đề phát sinh. "Tối nào tôi cũng dành 3-4 giờ để học'', cô nói.

Trong hơn một năm đi làm tại doanh nghiệp này, Như Quỳnh được tăng lương 6 lần.

Hoài Hương, một người bạn đại học, không biết Quỳnh nhận mức lương khởi đầu 5 triệu đồng. Sau này, nghe bạn kể cô cũng nhận ra thị trường lao động khắc nghiệt và doanh nghiệp cần những người biết thực chiến.

"Tôi biết Quỳnh là người làm gì cũng có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, nên bạn là thủ khoa mà vẫn chấp nhận mức lương đó là có lý do", Hương nói.

Chị Thanh Hà, trưởng phòng xuất nhập khẩu công ty đầu tiên Quỳnh làm việc, nói rất lâu sau mới biết Quỳnh là thủ khoa. Chị nhận xét Quỳnh là người nỗ lực hết mình trong công việc, luôn chủ động. "Bạn ấy có tác phong làm việc rất chuyên nghiệp và luôn lạc quan. Từ lãnh đạo cấp cao đến đồng nghiệp đều đánh giá tốt và quý mến bạn ấy", chị nói.

Hiện tại, Như Quỳnh làm phân tích tài chính tại một doanh nghiệp FDI Đài Loan, lương trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, cô đảm nhiệm thêm vị trí tư vấn xuất nhập khẩu và mua hàng quốc tế cho doanh nghiệp. Quỳnh cũng thi thoảng nhận biên phiên dịch và dạy thêm. Ngoài ra, cô đầu tư bất động sản, vàng.

Sau hai năm đi làm, thu nhập của Quỳnh hiện nay dao động từ 2.000 USD đến 6.000 USD, vượt xa nhiều bạn đồng khóa có lương khởi điểm cao hơn nhiều lần.

"Tôi đã chứng minh được tốc độ quan trọng hơn khởi đầu. Càng trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng công việc yêu cầu, nắm cơ hội càng nhanh", cô nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm