Chứng khoán

Buồn của nhà đầu tư chứng khoán: VN-Index tăng vượt xa lãi gửi tiết kiệm, tài khoản vẫn thua lỗ hàng chục phần trăm

Tính đến hết ngày 26/12, VN-Index đạt mức tăng trưởng 12% so với hồi đầu năm lên ngưỡng 1.275 điểm. Nếu chỉ nhìn chỉ số chung, hiệu suất đầu tư chứng khoán từ đầu năm vượt trội hơn hẳn so với mức lãi suất tiền gửi 5-6% tại các NHTM. Tuy nhiên thực tế không hề dễ dàng, nhiều nhà đầu tư cho biết danh mục của họ vẫn đang thua lỗ dù thị trường hồi phục.

Buồn của nhà đầu tư chứng khoán: VN-Index tăng vượt xa lãi gửi tiết kiệm, tài khoản vẫn thua lỗ hàng chục phần trăm- Ảnh 1.

Trên một group chứng khoán, tài khoản N.H.N “khoe” danh mục năm vừa qua âm đến gần 40% do ôm một số cổ phiếu chứng khoán và bất động sản lớn: "Chính thức từ bỏ chứng khoán sau một năm đầu tư thử". Câu viết ngắn gọn nhưng nhận về rất nhiều lượt like, comment đồng cảm của những nhà đầu tư cùng cảnh ngộ, song không ít người cũng cho rằng chủ tài khoản đã sai lầm khi chọn nhầm cổ phiếu.

Không chỉ riêng anh N, thua lỗ là câu chuyện chung của không ít nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là những tay mơ ít kinh nghiệm, ham mê lướt sóng. Lướt các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán cũng có không ít lời than vãn với mức thua lỗ từ 10-30%. Năm qua, nhà đầu tư thua lỗ dù VN-Index không phải điều hiếm gặp.

Nhiều cổ phiếu hot khiến nhà đầu tư "mất tiền"

Thực tế, mức tăng trưởng hai con số của VN-Index tính từ đầu năm chủ yếu nhờ vào sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong quý 1 (tăng 13,6%). Trong khi đó, tính từ đầu quý 2 đến nay, chỉ số này đang ghi nhận hiệu suất âm với diễn biến sideway biên độ hẹp và thanh khoản lao dốc. Đà tăng chỉ tập trung một số ít mã đơn lẻ, nhiều cổ phiếu vẫn “hụt hơi” khiến việc chọn lựa cơ hội đầu tư để kiếm lợi nhuận cũng không dễ dàng.

Theo thống kê, 55% cổ phiếu trên HoSE có hiệu suất thua VN-Index tính từ đầu năm đến nay, thậm chí có đến 156 mã còn giảm điểm (trong đó 14% số mã giảm mạnh trên 20%). Không ít tên tuổi đáng chú ý như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet (VJC), Sabeco (SAB), Novaland (NVL), Kido(KDC), Đất Xanh (DXG), Viglacera (VGC), Kinh Bắc (KBC), VNDirect (VND), GAS… đều có thể khiến nhà đầu tư “mất tiền” nếu nắm giữ từ đầu năm.

Buồn của nhà đầu tư chứng khoán: VN-Index tăng vượt xa lãi gửi tiết kiệm, tài khoản vẫn thua lỗ hàng chục phần trăm- Ảnh 2.

Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiingroup cũng nhận định nhà đầu tư trong nước rất “lười” cắt lỗ và nhìn vào hành vi giao dịch có thể đánh giá hầu hết nhà đầu tư cá nhân đang thua lỗ (giai đoạn sóng từ 2021 và 2024). Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam là “cuộc chiến” giữa 9 triệu tài khoản cá nhân với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh giao dịch khi VN-Index ở vùng đỉnh thì nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng mạnh.

Buồn của nhà đầu tư chứng khoán: VN-Index tăng vượt xa lãi gửi tiết kiệm, tài khoản vẫn thua lỗ hàng chục phần trăm- Ảnh 3.

Điều này một phần do chiến lược và hành vi giao dịch cá nhân chủ yếu là “lướt sóng”. Minh chứng là nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% tổng giá trị giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMID) và nhỏ (VNSML), vượt trội so với tỷ trọng 74% ở nhóm vốn hóa lớn (VN30). Đáng chú ý ở nhóm VN30, mặc dù tham gia giao dịch tích cực, tỷ lệ sở hữu thực tế của nhà đầu tư cá nhân (không tính đến nhóm cổ đông nội bộ) rất thấp (dưới 25%).

Bên cạnh những yếu tố chủ quan, việc thị trường gặp nhiều sức ép cũng ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà đầu tư. Theo đó, khối ngoại ồ ạt rút vốn cũng gây hiệu ứng kém tích cực lên tâm lý thị trường chung. Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng hơn 93.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, con số kỷ lục kể từ khi chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, vượt xa mức kỷ lục cũ ghi nhận vào năm 2021. Riêng trên HoSE, khối ngoại bán ròng gần 91.000 tỷ đồng từ đầu năm.

Chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ, áp lực tỷ giá đè nặng lên đồng nội tệ là những yếu tố tác động đến dòng vốn ngoại trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc thiếu hàng hoá mới chất lượng, cơ cấu thị trường mất cân bằng là nguyên nhân khiến chứng khoán Việt Nam khó hút dòng vốn ngoại dài hạn. Ngoài ra, việc liên tục lỡ hẹn với nâng hạng thị trường lên nhóm mới nổi cũng khiến cho thị trường Việt Nam giảm sức hút.

Dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại tham gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại không còn quá lớn, hành động bán ròng liên tục và tập trung vào những nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã phần nào gây ra sức ép nhất định cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư cá nhân.

Chứng khoán sẽ biến động trong năm 2025

Trong báo cáo mới đây, VinaCapital kỳ vọng dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2025 khi có thông tin rõ ràng rằng Tổng thống Trump sẽ không nhắm vào Việt Nam. Tâm lý nhà đầu tư cũng đang được cải thiện nhờ vào kỳ vọng ngày càng lớn rằng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ Thị trường Cận biên (Frontier) lên Thị trường Mới nổi (Emerging Market - EM) vào năm 2026.

Việt Nam hiện nay đã đáp ứng gần như tất cả các tiêu chí của FTSE để được xem xét là một thị trường EM sau những cải cách hành chính để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tâm lý này cũng được củng cố bởi sự lạc quan về các biện pháp Chính phủ công bố nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 và các năm tiếp theo.

VinaCapital dự đoán năm 2025 sẽ là một năm biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì trong nửa đầu năm tới tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND có thể bị ảnh hưởng, nhưng cả hai khả năng này có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm. Nhóm quỹ này xem sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán là cơ hội để mua vào, động lực đến từ định giá thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn với hệ số P/E dự phóng là 12x, so với mức tăng trưởng EPS dự báo là 17%.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm