Tổng hợp thị trường chứng khoán phiên 27/12
VN-Index tiếp tục giao dịch trong vùng 1.270 – 1.275 cả phiên cuối tuần khi đóng cửa tại mốc 1.275,14 điểm, tiếp tục đi ngang so với hôm qua.
Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 14/18 ngành giảm điểm, trong đó cổ phiếu truyền thông giảm mạnh hơn 5% sau chuỗi tăng điểm dài. Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, dầu khí, … có phiên giao dịch tích cực. Về giao dịch của khối ngoại, họ mua ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Nhận định thị trường chứng khoán ngày 30/12
Nhận định chứng khoán cơ sở
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường có nỗ lực tăng điểm nhưng vẫn trong trạng thái giằng co với nến star. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy dòng tiền gia tăng và nỗ lực hỗ trợ thị trường. Diễn biến thăm dò cung cầu sẽ tiếp diễn khi bước vào phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên, tín hiệu khởi sắc nhẹ hiện tại có thể tạo động lực tăng điểm cho thị trường trong thời gian tới và hướng đến vùng 1.300 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng khả năng được hỗ trợ và tăng điểm của thị trường. Đồng thời, nhà đầu tư có thể tiếp tục khai thác cơ hội ngắn hạn tại các cổ phiếu có diễn biến khởi sắc từ vùng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc diễn biến hồi phục để chốt lời ngắn hạn đối với các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng cản hoặc cơ cấu danh mục.
Chứng khoán BIDV (BSC)
Thị trường hiện tại vẫn chưa rõ xu hướng, nhịp giằng co quanh 1.275 có thể kéo dài trong một vài phiên tiếp theo.
Chứng khoán TPBank (TPS)
Kết thúc một tuần giao dịch với biến động mạnh của VN-Index. Xét theo cây nến tuần, chúng ta đã có một ttuần giao dịch với bên mua chiếm thế chủ động. Các kịch bản tích cực đã được mở ra, nhưng sự thiếu hụt về mặt thanh khoản vẫn đặt ra những rủi ro cho thị trường trong ngắn hạn. Về trung và dài hạn trên đồ thị, nhóm phân tích kỳ vọng vào việc VN-Index có thể một lần nữa chạm lên được ngưỡng 1.300 điểm trong thời gian tới.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Sự hình thành mẫu nến "doji" biên độ nhỏ cho thấy tâm lý phòng thủ giữa hai bên mua/bán và trạng thái khá cân bằng về tương quan cung cầu tại vùng giá đóng cửa.
Nhìn chung, các mã vốn hóa vừa và nhỏ đang có phần chịu sức ép giảm giá với biên độ rộng hơn, nhưng nhóm cổ phiếu bluechips vẫn giữ được sắc xanh và đóng vai trò làm điểm tựa cho thị trường. Mặc dù diễn biến điều chỉnh lình xình có thể còn tiếp diễn, xu hướng tăng điểm vẫn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo, đưa chỉ số tiến lên các mốc kháng cự xa hơn.
Nhận định chứng khoán phái sinh
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN)
VN30F2501 ở khung thời gian intraday tiếp tục đi ngang-sideway với vùng 1.345 - 1.347 điểm tương ứng Fibo 23,6% sẽ được kiểm định lại. Đồng thời, cấu trúc sóng đi ngang hiện tại mang tính điều chỉnh kỹ thuật và xu hướng tăng từ 1.314 điểm vẫn duy trì.
Trong khi đó, trên khung Daily VN30F2501 đang chuyển lên tăng với khu vực 1.361 - 1.375 điểm sẽ là vùng mục tiêu kỳ vọng. Nhà đầu tư có thể xem xét chiến lược mua (long) tại vùng 1.345 điểm hoặc xa hơn 1.342 điểm, dừng lỗ 1.340 điểm và chốt lời kỳ vọng 1.356 - 1.359 điểm. Vị thế bán (short) có thể xem xét tại 1.361 điểm, dừng lỗ 1.364 điểm.
Chứng khoán MB (MBS)
Kết thúc tuần giao dịch, phái sinh tăng 2,01% tương đương 26,7 điểm lên 1.348,5 điểm. Vùng 1.350 tiếp tục là vùng cản rung lắc khi phái sinh không thể vượt qua được, đặc biệt là phiên cuối tuần khi trước ATC đã tăng 4 điểm vượt lên 1.354 điểm nhưng đóng cửa giảm trở lại về dưới vùng cản. Tuần qua nhà đầu tư nước ngoài đã mua hơn 2.000 hợp đồng.
Phái sinh có thể tiếp diễn xu thế giằng co quanh vùng 1.350 điểm, chiến lược trading với kỳ vọng thấp được khuyến khích. Nhà đầu tư có thể cân nhắc chiến lược giao dịch mua (long) tại vùng 1.340 – 1.345, cắt lỗ khi giảm qua 1.337 điểm. Chiến lược giao dịch bán (short) có thể cân nhắc tại vùng cản 1.360 – 1.365 điểm, cắt lỗ khi vượt qua 1.368 điểm.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trường.