VN-Index ghi nhận 1 tuần phục hồi tốt, lực cầu tốt vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần đã giúp cho chỉ số chung được cải thiện đáng kể lên khu vực 1.285,45 điểm. Tuy thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp nhưng có thể thấy tâm lý dòng tiền đã tích cực hơn trong ngắn hạn giúp cho VN-Index tiếp nối đà phục hồi hướng lên khu vực 1.300.
Về diễn biễn cụ thể, thị trường vẫn duy trì thanh khoản ở mức thấp trong suốt những phiên giao dịch tuần vừa qua. Diễn biến rung lắc vẫn xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành trong quá trình phục hồi. Điểm sáng trong tuần vừa qua có thể kể đến nhóm bán lẻ và công nghệ thông tin với mức tăng trên 9,5%.
Lực cầu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên cuối tuần cũng là động lực không nhỏ giúp cho sắc xanh lan tỏa diện rộng ở hầu hết các nhóm ngành. Dòng tiền tuy thận trọng nhưng cũng đã đóng góp tích cực vào thị trường giúp cho điểm số chung được phục hồi mạnh mẽ, VN-Index đóng cửa tuần tăng 44,74 điểm tương đương 3,61% lên 1.285,45 điểm.
Đây là tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp của VN-Index sau chuỗi giảm điểm trong 7 tuần trước đó. Thanh khoản trên HOSE đã cải thiện hơn so tuần trước, với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 13.574 tỷ, tăng 7,6%. So với bình quân 5 tuần gần đây, mức thanh khoản bình quân này vẫn thấp hơn khoảng 8,5%.
Trong đà hồi phục chung của thị trường, dòng tiền từ các cá nhân trong nước vẫn là điểm sáng khi tiếp tục nâng đỡ, dù vậy quy mô giải ngân đã giảm hơn một nửa còn 432 tỷ đồng. Nếu tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng nhẹ 41,5 tỷ đồng.
Cá nhân trong nước chốt lời loạt cổ phiếu ngân hàng sau nhịp hồi phục
Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của các cá nhân trong nước áp đảo với 10/18 ngành bị bán ròng. Trong đó, cổ phiếu "vua" là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 912 tỷ đồng, trái ngược với lực cầu trong tuần liền trước.
Nhìn chung, hoạt động chốt lời mạnh mẽ diễn ra ngay sau khi cổ phiếu ngân hàng bật hồi và trở thành nhóm đóng góp tích cực nhất cho VN-Index. Thống kê cho thấy trong Top10 mã tác động lớn nhất tới VN-Index tuần qua, có tới 3/10 đại diện của các nhà băng, lần lượt là VCB, ACB, TCB.
Bên cạnh đó, lực xả của các cá nhân nội còn tìm đến nhóm hóa chát (280 tỷ đồng), bán lẻ (276 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (223 tỷ đồng), công nghệ thông tin (199 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, quy mô mua ròng ở các cổ phiếu bát động sản thu hẹp còn 725 tỷ đồng, giảm 22% so với tuần trước đó và là nhóm thu hút phần lớn lực cầu trong tuần.
Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch tương đối tích cực trong tuần qua còn có tài nguyên cơ bản (628 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (535 tỷ đồng).
Cùng với đó, hoạt động giải ngân còn tìm đến các ngành xây dựng & vật liệu (108 tỷ đồng), du lịch & giải trí (105 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (35 tỷ đồng), dầu khi9s (32 tỷ đồng),...
Tâm điểm mua ròng HPG, SSI, DXG
Danh mục Top10 bán ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như bán lẻ, ngân hàng với 7 đại diện đến từ hay nhóm này. Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu PNJ của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận với 231,5 tỷ đồng. Áp lực chốt lời diễn ra trong bối cảnh PNJ có nhịp tăng hơn 15% lên 122.300 đồng/cp.
Lực xả tập trung trong phiên cuối tuần khi PNJ tăng kịch trần. Trái ngược với các cá nhân, cổ phiếu PNJ này lại được cả khối ngoại, khối tự doanh và các tổ chức nội mua ròng.
Kế đó, cá nhân trong nước cũng bán ròng 202,6 tỷ đồng cổ phiếu DCM của Phân bón Dầu khí Cà Mau, trước khi bán ròng nhẹ hơn ở một số cổ phiếu như FPT (196,3 tỷ đồng), MWG (154,3 tỷ đồng), REE (152,5 tỷ đồng) và DPM (145,4 tỷ đồng). Bên cạnh VPB, một số đại diện của các nhà băng cũng bị xả ròng còn có ACB (115,5 tỷ đồng), MBB (103,1 tỷ đồng), CTG (92 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, giao dịch rót vốn ròng tập trung ở cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát với giá trị lên đến 474,1 tỷ đồng. Hoạt động giải ngân mạnh mẽ ở cổ phiếu này xuất hiện sau khi thị giá HPG đã điều chỉnh về vùng đáy 1 năm ở 34.450 đồng/cp. Một đại diện khác trong ngành thép cũng được NĐT gom ròng trong tuần này là NKG với giá trị 142,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dòng vốn cá nhân còn tìm đến loạt cổ phiếu nhóm chứng khoán như SSI (266,1 tỷ đồng), VND (246,1 tỷ đồng) và VCI (68,4 tỷ đồng). Theo sau, lực cầu dưới 100 tỷ đồng cũng được ghi nhận tại các đại diện gồm VJC, BCM, VCI và MSN.