Xe tự hành VIPER ra đời với mục tiêu giúp NASA tìm kiếm băng và các nguồn tài nguyên tiềm năng khác trên Mặt trăng trong 5 năm tới.
Dự án này được xem là một trong những nỗ lực của NASA trong việc nghiên cứu Mặt trăng và giải mã các bí ẩn lớn của Hệ Mặt trời.
Ban đầu chiếc xe tự hành thám hiểm trên được lên kế hoạch phóng vào cuối năm 2023 đến cực nam Mặt trăng.
Nhưng NASA đã hoãn kế hoạch này đến cuối năm 2024 để có thêm thời gian thử nghiệm trước chuyến bay của tàu đổ bộ Griffin do Công ty Astrobotic sản xuất.
Dự án VIPER đã tiếp tục bị dời đến tháng 9-2025 mới có thể hoàn thiện. Chi phí phát triển dự án ước tính cũng "đội" lên 609,6 triệu USD.
Trong tuyên bố về quyết định hủy dự án VIPER hôm 17-7, NASA cho rằng nhiều thách thức như chi phí sản xuất tăng cao, tiến độ trì trệ và rủi ro tốn kém hơn nữa trong tương lai khiến nỗ lực này không thể tiếp tục.
"Nhiều bộ phận quan trọng bên trong chiếc xe bị sản xuất chậm trễ khiến quá trình lắp ráp và thử nghiệm của chúng tôi đã không đạt đúng tiến độ ban đầu đề ra", ông Joel Kearns, một quan chức của NASA, cho biết.
Đến lúc này NASA quyết định buộc phải hủy kế hoạch để không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác mà cơ quan này đang thực hiện, một trong số đó có liên quan đến Dịch vụ tải trọng Mặt trăng thương mại (CLPS).
Quyết định hủy bỏ VIPER đã giúp cơ quan này tiết kiệm được ít nhất 84 triệu USD, theo Space News.
NASA có kế hoạch sẽ tháo rời và tái sử dụng các thành phần của VIPER cho các dự án khác của cơ quan này để tránh lãng phí. Việc này sẽ được thực hiện sau khi đạt được thỏa thuận với các đối tác quan tâm.
NASA "mắc sai lầm nghiêm trọng"
Tạp chí New Scientist dẫn lời tiến sĩ Phil Metzger, Đại học Central Florida, chuyên gia từng làm việc tại Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA, cho biết việc hủy bỏ dự án là một sai lầm nghiêm trọng của NASA. Đặc biệt khi chiếc xe dự hành này là một phần cực kỳ quan trọng liên quan đến mục tiêu năm 2026 sẽ đưa con người đến cực nam Mặt trăng mà cơ quan này đề ra.