Sau khi lập gia đình và sinh con, người mẹ thường có xu hướng không muốn đi đâu quá xa, chỉ muốn ở nhà chăm sóc con cái. Chỉ đi đâu 2, 3 ngày thôi cũng cảm thấy vô cùng nhớ nhung, xót con ở nhà nhớ mẹ. Sự nghiệp cũng vì thế mà có phần bị ảnh hưởng, những chuyến công tác nước ngoài hoặc đi chơi xa đều trở nên hạn chế.
Nhưng Giang Ơi đã làm khác. Khi con gái đến tuổi đi mẫu giáo, bà mẹ 1 con quyết định đi du học. Là một chuyến sang Mỹ ngắn hạn khoảng 6 tuần nhưng cũng khiến cô đắn đo, cân nhắc suốt nhiều tháng. Cuối cùng chuyến đi đã diễn ra và mọi thứ vẫn đang "trộm vía" theo đúng kế hoạch.
Mới đây, Giang Ơi đã tâm sự vế lý do tại sao đi du học ở tuổi 33, có phải là quá muộn không, để lại con nhỏ ở nhà thì có những lo lắng gì. Những chia sẻ này đã khiến rất nhiều mẹ bỉm cảm thấy đồng cảm, cho rằng bà mẹ 1 con là người cực kỳ mạnh mẽ, dám đam mê và theo đuổi khát vọng.
Đi học vì muốn trau dồi, khám phá, mở mang kiến thức và cảm hứng mới
Đi Mỹ du học, tại trường đại học ở California, để học 1 khoá học hè ngắn hạn. Tổng thời gian ở Mỹ sẽ kéo dài khoảng 7 tuần. Đây không phải là chuyến du học đầu tiên của mình. So với những bạn học 3, 4 năm thì 6 tuần không phải khoảng thời gian dài. Thêm nữa, mình nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ chồng, anh sẵn sàng lo nhà cửa, con cái, công việc, tất cả các thứ để mình có thể yên tâm đi học bên đó.
Mình đi học vì mình thích, muốn trau dồi, khám phá thêm thôi. Kênh của mình may mắn được các bạn biết đến. Trong suốt 6 năm qua mình vừa làm vừa mầy mò. Đến thời điểm này, mình cảm thấy rất sung sướng nếu được tiếp cận với kiến thức cơ bản, cái “xương sống” của nội dung dạng video, đó là điện ảnh.
Và sung sướng hơn nữa nếu mình được học nó ở Hollywood, nơi cho ra những bộ phim tuyệt đỉnh mình từng được xem. Mình muốn mở mang tầm mắt, có những kiến thức, cảm hứng mới. Mình bắt đầu tìm hiểu khoá học ngắn hạn thôi vì mình còn cả cuộc sống, gia đình ở Việt Nam nên không thể đi lâu được. Rồi mình xem đến tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, đi học bận rộn không có thêm thu nhập thì chi phí là bao nhiêu?
Đấu tranh tâm lý khi không nỡ xa gia đình, sợ chồng nhớ vợ, con nhớ mẹ
Mình bắt đầu nói chuyện với chồng, rằng nếu mình đi thì chúng mình sẽ phối hợp, sắp xếp công việc, cuộc sống ra sao. Câu trả lời là được, anh sẽ lo mọi thứ. Vậy là mình nộp hồ sơ ứng tuyền đi học. Khi chuyến đi đến gần thì cảm xúc của mình lẫn lộn một chút. Cũng chỉ là một bà mẹ bỉm sữa với tâm lý đặc thù.
Mình thấy rất lo khi bỏ lại chồng con ở nhà. Nhỡ Mây nhớ mẹ thì sao, bố con cần mình thì sao, nhỡ chồng mình ở nhà buồn thì sao. Mình không nỡ xa gia đình mình. Giờ mình là người vợ, người mẹ trong gia đình, không dễ để mà muốn đi là đi.
Việc đi học xa sẽ dạy chúng nó rất nhiều thứ: Kiến thức, trải nghiệm sống, văn hoá. Nhưng 1 điều nữa là dạy cho người ta cách nói lời tạm biệt. Có rất nhiều người vợ, người mẹ đang phải xa con cái, gia đình trong khoảng thời gian rất dài với hoàn cảnh còn ngặt nghèo hơn. Mình chỉ đi có 2 tháng nhưng mình vẫn muốn nói về những cảm xúc bề bộn.
Lời tạm biệt khó nói ra cũng là 1 điều may mắn, vì ở đâu đó có người mong đợi mình. Đi học chuyến này xa gia đình cũng buồn lắm nhưng nó nhắc cho mình nhớ là có 1 gia đình gắn bó, yêu thương vẫn đang đợi ở nhà, và đó là 1 may mắn lớn trong đời. Cuộc sống của mình không chỉ kiếm tiền được.
Mình sẽ có một trải nghiệm đáng nhớ để kể cho con: Cuộc đời đâu có bao nhiêu mà sợ hãi quá nhiều?
Đúng là có những giai đoạn trong cuộc đời, việc kiếm tiền là quan trọng nhất vì chúng ta phải trang trải nhà cửa, cơm nước, con cái. Nhưng nếu đời ta may mắn đạt được cột mốc, nơi mà những nhu cầu cơ bản được đáp ứng đầy đủ và không còn là mối lo thường trực, thì ta sẽ trả lời câu hỏi tiếp theo: “Cuộc đời này ta muốn ưu tiên thứ gì”.
Mỗi người có 1 quyền lựa chọn mà không ai có quyền đánh giá thứ tự ưu tiên đó. Mình mong 1 cuộc đời nhiều kỉ niệm. Mình muốn sống như thế nào đó để đến ngày quỹ thời gian sống trên đời không còn nhiều thì mình có thể nhìn lại, thấy được rằng mình đã trải nghiệm những điều bản thân muốn. Mình đã đi những nơi muốn đi, học những điều muốn học, khám phá những cái mình muốn.
Mình sẽ có nhiều cái để kể cho con: Ở tuổi 33, sau khi có con, mẹ đã đi học điện ảnh ở Hollywood như thế nào. Con hãy nhìn câu chuyện của mẹ để thấy cuộc đời có rất nhiều thứ để khám phá, đừng để ai nói với con rằng sự học sẽ kết thúc ở tuổi nào đó. Cuộc đời đâu có bao nhiêu mà sợ hãi quá nhiều?