Lý do là trong năm nay, không chỉ ban hành kế hoạch cung ứng điện của cả năm, mà bộ còn ban hành riêng một kế hoạch về việc đảm bảo cung ứng điện cho các tháng mùa khô.
Tuy nhiên thách thức đặt ra không nhỏ cho ngành điện trong bối cảnh nắng nóng diễn ra gay gắt ở nhiều tỉnh thành, mực nước về các hồ khá thấp, nên phải giữ nước cho cao điểm mùa khô.
Tăng huy động điện than để giữ nước cho mùa khô
Nguồn điện than được huy động ở mức cao khi ngành sản xuất và phân phối điện trong quý 1 đã tăng gần 12%, cao hơn nhiều so với kế hoạch cung cấp điện thời gian cao điểm mùa khô là từ 9,15-9,6%.
Dẫn chứng thực tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong quý 1-2024 cao hơn 1,24 tỉ kWh so với kế hoạch. Trong đó nguồn điện than được huy động cao hơn tới 1,63 tỉ kWh, nhằm mục tiêu giữ nước để chuẩn bị cung ứng điện cho mùa khô, nên sản lượng thủy điện huy động thấp hơn 1,68 tỉ kWh.
Việc giữ nước ở các hồ thủy điện để đảm bảo cung ứng điện mùa khô là bài học được rút ra từ điều hành cung ứng điện năm 2023. Bởi tình trạng thiếu nước cộng thêm thiếu than và nhiều nhà máy gặp sự cố đã khiến nguồn điện cung ứng không được đảm bảo.
Nhờ việc tích nước, đến cuối quý 1 năm nay, mực nước các hồ thủy điện dự kiến tương ứng với sản lượng điện là gần 11,3 tỉ kWh, cao hơn 1,47 tỉ kWh so với kế hoạch năm. Nguồn nhiên liệu than cũng đã được chuẩn bị, với khối lượng tồn kho than đến 14-3 là 2,68 triệu tấn, cao hơn yêu cầu định mức mùa khô là 427.700 tấn.
Theo đó, EVN đưa ra phương án cơ sở, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong 9 tháng cuối năm dự kiến cao hơn 0,98 tỉ kWh, cả năm cao hơn 2,2 tỉ kWh.
Dự báo điện thương phẩm là 271,5 tỉ kWh, tăng trưởng 8,56% so với năm 2023 và nhu cầu công suất lớn nhất là 52.128MW, với mức tăng trưởng dự báo là 14,49%.
Theo phương án kiểm tra, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 9 tháng cuối năm dự kiến cao hơn gần 4 tỉ kWh, cả năm cao hơn 5,1 tỉ kWh, tương ứng dự báo điện thương phẩm là 274,05 tỉ kWh, tăng 9,58% so với năm 2023. Nhu cầu công suất lớn nhất (Pmax) là 52.775 MW, tăng trưởng 15,91% so với năm 2023.
EVN cũng dự kiến mua điện từ Trung Quốc qua liên kết 220kV với công suất lớn nhất 540MW và liên kết 110kV với công suất lớn nhất 70MW. Sản lượng dự kiến mua trong năm 2024 là 1,8 tỉ kWh, cao hơn gần 675 triệu kWh so với kế hoạch năm.
Cùng đó là nhập khẩu điện từ Lào và xuất khẩu điện sang Campuchia, phê duyệt kế hoạch sửa chữa các nhà máy điện, đảm bảo nguồn nguyên liệu than khí cho các nhà máy.
Vẫn nguy cơ không còn dự phòng nếu sự cố xếp chồng
Cũng có những thách thức đặt ra cho EVN trong huy động các nguồn điện này. Bởi theo dự báo, nguồn thủy điện dự kiến sẽ có công suất suy giảm trong năm nay, lớn nhất là từ tháng 5 đến tháng 7 với hơn 110MW đến 300MW.
Tuy nhiên thực tế vận hành các năm qua cho thấy do nước về các nhà máy với các tháng mùa khô rất thấp, nên công suất khả dụng có thời điểm giảm so với công suất đặt tới gần 50% (tương đương suy giảm gần 1.700MW).
Nguồn nhiệt điện than cũng bị suy giảm lớn nhất trong giai đoạn này tới gần 20% công suất đặt, tương đương gần 3.100 MW, gồm có việc đã xét tới sự cố các tổ máy.
Vì vậy, trong các tháng cao điểm nắng nóng, nếu xảy ra các tình huống sự cố xếp chồng cực đoan như lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiệt điện than có sự cố hoặc suy giảm công suất, nhu cầu điện tăng cao thì hệ thống điện miền Bắc có nguy cơ không còn dự phòng công suất.
Ngoài ra các tháng 8 và tháng 10 dự phòng công suất cũng thấp. Vì vậy, trong trường hợp xảy ra đồng thời sự cố các tổ máy nhiệt điện than lớn có tính xếp chồng, hoặc các nhà máy không đủ than trong vận hành… miền Bắc có nguy cơ phải thực hiện điều hòa, điều tiết phụ tải.
Hệ thống điện miền Nam và miền Trung dù đáp ứng đủ nhu cầu công suất đỉnh trong năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh và để đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống, cần thiết huy động các nguồn linh hoạt như chuyển dầu, bổ sung khí LNG và nguồn dầu và LNG, để đáp ứng nhu cầu tiêu tiêu thụ ở mức cao nhất.