Dinh dưỡng

Nam Bộ đang mùa nóng, làm sao tránh ngộ độc thực phẩm?

Quán cơm gà Trâm Anh bị đình chỉ hoạt động để điều tra nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt - Ảnh: MINH CHIẾN

Quán cơm gà Trâm Anh bị đình chỉ hoạt động để điều tra nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt - Ảnh: MINH CHIẾN

Mới đây hàng loạt thực khách đã bị ngộ độc sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh, TP Nha Trang (Khánh Hòa), số bệnh nhân ngộ độc nhập viện khám, điều trị 368 người.

Môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nhanh

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh, có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

Thức ăn ôi thiu nhanh nếu không bảo quản cẩn thận. Nhiều người có thói quen xử lý thực phẩm, nấu ăn không đúng cách, bảo quản chưa đúng, thức ăn để ở điều kiện nhiệt độ thông thường quá lâu.

Ngoài ra, việc mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bày bán không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú (Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM) cho hay thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa (tiêu chảy, ngộ độc thức ăn), say nóng, say nắng (sốc nhiệt), các bệnh về da.

Trong các nhóm bệnh này, sốc nhiệt và các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ.

Làm gì để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm?

Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, để đảm bảo sức khỏe người dân và phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra chúng ta nên chọn thực phẩm an toàn, rau phải tươi, quả ăn sống phải được ngâm, rửa kỹ bằng nước sạch, gọt vỏ trước khi ăn. Đun sôi nước khi làm đá uống.

Đặc biệt nấu chín kỹ thức ăn hoàn toàn bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị vi khuẩn tấn công có hại cho sức khỏe.

Lưu ý bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín, nếu muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C, thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại. Trường hợp các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lần nữa.

Ngoài ra, trong quá trình bảo quản cần tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch.

Khăn lau chén đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

Cần chú ý che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác như giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Trong quá trình chế biến chú ý rửa tay sạch trước khi nấu thức ăn và trước khi ăn. Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến.

Phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các dấu hiệu: trẻ không tỉnh táo, lừ đừ, không uống được, bỏ bú, không có nước tiểu trong vòng 6 - 8 giờ, khóc không có nước mắt, da/môi khô, mắt trũng, tiêu chảy trên 2 ngày không giảm; tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu...

Nguyên nhân gây ngộ độc hàng loạt sau ăn cơm gà?

Bệnh nhân bị ngộ độc được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang - Ảnh: MINH CHIẾN

Bệnh nhân bị ngộ độc được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang - Ảnh: MINH CHIẾN

Liên quan vụ ngộ độc hàng loạt sau khi ăn tại quán cơm gà Trâm Anh, TP Nha Trang (Khánh Hòa), theo báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, tính đến 15h chiều 19-3, tổng số ca ngộ độc các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận là 368 ca, số ca hiện đang điều trị là 26 ca, số ca xuất viện là 225 ca, số ca kê đơn về theo dõi ngoại trú là 118 ca. Các ca bệnh ổn định sẽ tiếp tục được cho xuất viện, điều trị tại nhà.

Viện Pasteur Nha Trang đã có kết quả nguyên nhân vụ ngộ độc cơm gà. Theo đó qua quá trình xét nghiệm kéo dài 5 ngày đối với 19 mẫu thực phẩm, mẫu nước, mẫu bệnh phẩm và mẫu trên bàn tay một nhân viên nữ, kết quả xét nghiệm cho thấy: mẫu hành phi dương tính với khuẩn Salmonella, rau (dưa chua) dương tính với khuẩn Bacillus.

Mẫu cơm gà lấy tại hộ gia đình gồm phần cơm chan xốt trứng cùng phần gà xé dương tính với khuẩn Salmonella và Bacillus sinh độc tố NHE (độc tố ruột không ly giải hồng cầu), BHL (độc tố ly giải hồng cầu).

Mẫu lấy từ bàn tay nữ nhân viên quán là B.L. dương tính với khuẩn Staphyloccocus (tụ cầu vàng). Đối với mẫu bệnh phẩm (mẫu phân) của bệnh nhân H.C.H. (54 tuổi) dương tính với vi khuẩn Salmonella.

Ngoài ra Viện Pasteur Nha Trang còn phát hiện một số vi khuẩn Escherichia coli, Coliform và Pseudomonas aeruginosa trong mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến và trong mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn: Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus); cơ sở gây ra ngộ độc thực phẩm là quán cơm gà Trâm Anh; bữa ăn nguyên nhân là các bữa ăn trưa, chiều ngày 11 và 12-3.

Sơ cứu người ngộ độc thực phẩm ra sao?

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo người dân khi có ngộ độc thực phẩm cần gây nôn để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài.

Lưu ý gây nôn cho người bệnh còn tỉnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh.

Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, nước oresol.

Sau khi sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Ngay sau đó cần giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Không sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và cảnh báo những người thân xung quanh, báo ngay cơ quan chức năng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm