Năm 2021 là năm thử thách chưa từng có trong lịch sử hoạt động của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), do tác động của các đợt bùng phát dịch Covid. Trong bối cảnh đó, MWG đã vượt cột mốc 5 tỷ USD doanh thu và xuất sắc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh vượt mọi kỳ vọng của Công ty: Doanh thu thuần hợp nhất là 122.958 tỷ đồng (+13% so với 2020), đạt 98% kế hoạch 2021. Với kết quả này, MWG là công ty có doanh số lớn nhất trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Lợi nhuận sau thuế đạt 4.901 tỷ đồng (+25% so với năm 2020), bằng 103% kế hoạch cả năm.
Mới đây, MWG có một khởi đầu 2022 khá thuận lợi khi tuyên bố lập kỷ lục mới trong tháng 1/2022 với hơn 16.000 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.300 tỷ đồng doanh thu online do mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 diễn ra trọn trong tháng đầu năm.
Do tháng 2 năm nay không có thời gian bán hàng trước Tết và chỉ mở cửa hoạt động 75% thời gian của tháng bình thường nên MWG sẽ công bố báo cáo kinh doanh cho hai tháng đầu năm để có ý nghĩa so sánh so với cùng kỳ.
Trụ cột cho kết quả kinh doanh khả quan của MWG vẫn là hai mảng kinh doanh chính: ngàng hành máy tính, điện thoại,.. của Thế giới di động (TGDĐ) và ngành hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng,.. của Điện máy xanh (ĐMX).
TGDĐ và ĐMX có sự bứt phá ngoạn mục trong quý 4, nhờ đó cả 2 chuỗi đều đạt tăng trưởng dương cho cả năm 2021, bất chấp ảnh hưởng nặng nề do có gần 2.000 cửa hàng phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong hầu hết thời gian quý 3.
Theo ngành hàng, thiết bị di động là động lực tăng trưởng chính nhờ hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong mùa dịch. Máy tính xách tay (laptop) tăng trưởng 58% so với 2020, máy tính bảng (tablet) và điện thoại tăng trưởng lần lượt 40% và 17%.
Sau khi thử nghiệm thành công, chuỗi ĐMX Supermini đã nhân rộng mạnh mẽ từ 300 cửa hàng và mức đóng góp 850 tỷ đồng năm 2020 lên 800 cửa hàng và doanh số 6.800 tỷ đồng năm 2021.
Tính đến hết 31/12/2021, MWG sở hữu 1.992 cửa hàng TGDĐ và 970 cửa hàng ĐMX trên toàn quốc.
Triển vọng và hướng đi cho năm 2022 với Thế giới di động và Điện máy xanh
Nhận định thị trường điện thoại, điện máy năm 2022 đi ngang, thậm chí giảm nhưng Ban Lãnh đạo Tập đoàn vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng trên 15% cho TGDĐ và ĐMX, bằng một loạt những chiến lược cụ thể và rõ ràng ngay từ đầu năm.
Ông Hiểu Em - CEO Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho biết, những kế hoạch Công ty sẽ triển khai với Thế giới di động và Điện máy xanh trong năm 2022 như sau:
Thứ nhất, không mở ồ ạt tăng số lượng cửa hàng TGDĐ và ĐMX như thời gian trước mà thực hiện "mở giảm giá" và "mở thay thế". Cụ thể là mở thêm cửa hàng ở những khu vực còn tiềm năng phát triển và tìm kiếm thay thế mặt bằng đẹp hơn ở những khu vực trước kia do chi phí mặt bằng cao nên vị trí chưa đẹp.
Thứ hai, nâng cấp những cửa hàng hiện tại để gia tăng doanh số trên các shop sẵn có.
Thứ ba, mở những Trung tâm ĐMX diện tích lớn, từ 2.500 m2 đến 3.000 m2 với đầy đủ sản phẩm cao cấp để phục vụ lớp khách hàng có thu nhập cao.
Thứ tư, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá trong điều kiện bị thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid, mở rộng thêm những nhóm hàng đã kinh doanh như đồng hồ, xe đạp,.. mở bán mới một số mặt hàng như trang sức,...
Bên cạnh đó chú trọng gia tăng dịch vụ tại các cửa hàng TGDĐ như nạp tiền, rút tiền, vay tiền,… tạo nên sự thuận tiện, dịch vụ hoàn chỉnh cho khách hàng.
Thứ năm, đẩy mạnh doanh số kinh doanh online. Doanh số online của TGDĐ và ĐMX năm 2021 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 13.405 tỷ đồng (+47% so với 2020) và chiếm 14% tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX . Mục tiêu năm 2022, doanh số online nâng lên 18.000 tỷ đồng đến 20.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18% tổng doanh thu của TGDĐ và ĐMX.
Để làm được điều đó, trong năm 2022 Công ty thực hiện chuyển đổi về website TGDĐ và ĐMX từ hướng cung cấp thông tin sản phẩm sang trang chuyên kinh doanh mua bán với nhiều thông tin khuyến mãi, …cho khách hàng.
Ban lãnh đạo công ty thể hiện quyết tâm tăng trưởng đồng thời giữ vững chất lượng và sự hài lòng của khách hàng. Tập trung vào bán hàng sản lượng lớn để tăng doanh thu và lợi nhuận tuyệt đối, không chú trọng tăng biên lợi nhuận khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu và nguồn cung hàng hóa đang khan hiếm.