Doanh nghiệp

Tham vọng đưa công ty đầu tư tiến ra toàn cầu của chủ tịch 74 tuổi

Mỗi sáng, Ng Kok Song thường ngồi thiền 25 phút để giải tỏa tâm trí. Sau đó, ông có thể ra vườn hoặc thậm chí chợp mắt. Tuy nhiên, thay vì tận hưởng tuổi hưu bình lặng, người đàn ông 74 tuổi này đang xây dựng một trong những công ty đầu tư phát triển nhanh nhất Singapore với kế hoạch đưa nó trở thành một công ty toàn cầu.

Tài sản của Avanda Investment Management đã tăng hơn gấp đôi lên khoảng 10 tỷ USD kể từ khi nó được đồng sáng lập bởi Ng vào giữa năm 2015 – thời điểm ông rời khỏi ghế giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư quốc gia GIC Pte để về hưu sau 42 năm làm việc.

Trong bối cảnh sức hút của Singapore với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu và là cửa ngõ vào châu Á đang tăng lên, Avanda Investment Management đang tìm cách phát triển bằng cách đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau trong khu vực, bao gồm cả thị trường Trung Quốc, và thu hút khách hàng mới từ các quỹ hưu trí, công ty gia đình đến các tổ chức khác.

“Tầm nhìn của tôi là Avanda Investment Management sẽ giúp các nhà đầu tư Singapore nói riêng và châu Á nói chung đầu tư trên toàn cầu, cũng như giúp các nhà đầu tư toàn cầu đầu tư vào châu Á,” Ng nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên về công ty, nơi ông đang giữ cương vị chủ tịch điều hành.

Tham vọng đưa công ty đầu tư tiến ra toàn cầu của chủ tịch 74 tuổi - Ảnh 1.

Ng Kok Song, Chủ tịch Avanda Investment Management. Ảnh: Bloomberg

Nguyên nhân thứ hai là chính là những kinh nghiệm trong quá trình làm việc, bao gồm việc quản lý quỹ đầu tư quốc gia, góp phần chuyển đổi Singapore từ một mảnh đất không được nhiều người biết tới thành một điểm sáng trên bản đồ thế giới. Nó giống như hành trình đi đến thành công của chính bản thân ông: Ng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo với 11 anh chị em. Ông từng sống trong một túp lều lụp xụp trước khi kiếm được học bổng và việc làm trong khu vực nhà nước.Ng - người từng là giám đốc điều hành của quỹ đầu tư quốc gia GIC Pte giai đoạn 2007-2013 - cho biết, tình yêu với đầu tư và niềm tin rằng bạn sẽ giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn khi có tuổi là một trong những lý do chính để ông thành lập Avanda. Chính hai huyền thoại đầu tư Warren Buffett và Charlie Munger là nguồn cảm hứng cho ông.

Đến lượt mình, sự hỗ trợ từ các công ty liên kết với nhà nước lại là trụ cột quan trọng đối với Avanda Investment Management. Ng cho biết, Bộ Nhân lực Singapore, Temasek Holdings Pte. và GIC là ba khách hàng lớn ngay từ những ngày đầu thành lập của công ty với khối tài sản được quản lý ban đầu khoảng 4 tỷ USD này. Kể từ đó, khoảng một nửa lợi nhuận là từ lợi nhuận thị trường trong khi phần còn lại là từ khách hàng mới và vốn bổ sung.

Avanda Investment Management hiện có 5 quỹ và khoảng 20 khách hàng trên khắp thế giới, từ các quỹ đại học và các cơ quan chính phủ cho đến các cá nhân giàu có ở châu Á và Mỹ.

Mục tiêu đầu tư lâu dài

Tính từ khi thành lập tới tháng 12/2021, Avanda Investment Management đạt mức tỷ suất lợi nhuận hàng năm trước phí là 7,5%, với tỷ lệ Sharpe - một thước đo lợi nhuận được điều chỉnh theo rủi ro - là 0,7. Con số này cao hơn mức lợi nhuận trung bình 5,9% của Quỹ phòng hộ đa chiến lược Eurekahedge giai đoạn năm 2016 đến năm 2021. Theo dữ liệu của With Intelligence, Avanda Investment Management cũng lớn hơn bất kỳ quỹ phòng hộ nào có trụ sở tại Singapore; khi mà tới thời điểm hiện tại, quỹ phòng hộ lớn nhất đảo quốc này mới chỉ quản lý số tài sản là 7,66 tỷ USD.

Ng coi Avanda Investment Management là một công ty quản lý tài sản chứ không phải một quỹ đầu cơ, một phần vì Avanda xác định mình là một nhà đầu tư dài hạn. Mức phí quản lý trung bình vào khoảng 0,5% với mức phí thực hiện cao hơn mức lợi nhuận mục tiêu đã thỏa thuận trước. Quỹ đầu tiên của Avanda Investment Management - Quỹ đa tài sản toàn cầu Avanda – quản lý đầu tư vào một loạt cổ phiếu công, trái phiếu và tiền tệ toàn cầu, trong khi những quỹ khác tập trung vào chứng khoán châu Á, thu nhập cố định toàn cầu và thậm chí cả các giao dịch tư nhân.

Tham vọng đưa công ty đầu tư tiến ra toàn cầu của chủ tịch 74 tuổi - Ảnh 2.

Ông Ng coi Avanda Investment Management là một công ty quản lý tài sản chứ không phải một quỹ đầu cơ. Ảnh: Bloomberg


Các thương vụ đầu tư trước đó bao gồm các vòng gọi vốn trước IPO, chẳng hạn như của tập đoàn GoTo Group của Indonesia vào tháng 11 năm ngoái. Avanda Investment Management cũng hoạt động như một nhà đầu tư ban đầu, bao gồm cả việc hỗ trợ cho nhà sản xuất thực phẩm Philippines Monde Nissin Corp niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiện, Avanda Investment Management đang hướng tới các công ty tư nhân chưa có ý định sớm lên sàn, bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ khác.

“Đây là lúc cần thiết để xem xét chuyển sang các khoản đầu tư thay thế như cổ phần tư nhân, bất động sản, tài nguyên thực, nền kinh tế xanh hóa và các lĩnh vực công nghệ khác nhau", ông Ng cho biết. “Bạn phải chuyển sang các hình thức đầu tư ít thanh khoản hơn để có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn".

Hướng tới thị trường Trung Quốc

Tăng cường đầu tư vào châu Á - đặc biệt là Trung Quốc – là kế hoạch dài hạn của ông Ng. Từng đảm nhiệm vai trò thành viên ban cố vấn toàn cầu của Pacific Investment Management Co., ông Ng đã khuyên các nhà đầu tư nên dành một nửa nguồn vốn đầu tư của mình vào thị trường Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Đây cũng là chiến lược mà Avanda Investment Management dần tiến hành trong năm 2021.

“Chúng tôi đã chuyển gần 20% tỷ trọng thu nhập cố định toàn cầu sang trái phiếu chính phủ Trung Quốc", ông Ng cho biết. “Đó là điều bất thường nhưng kinh nghiệm của chúng tôi trong 12 tháng qua đã khiến chúng tôi kỳ vọng rằng lợi suất trái phiếu ở Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống.”

Một phần ba tỷ trọng chứng khoán toàn cầu của Avanda Investment Management cũng được đặt vào thị trường châu Á, trong đó phần lớn đổ vào Trung Quốc, tiếp theo là các thị trường khu vực bao gồm Hàn Quốc và Việt Nam. Công ty cũng đang phòng ngừa rủi ro trước kỳ vọng lạm phát tăng cao bằng cách mua các hàng hóa bao gồm vàng và trái phiếu liên quan đến lạm phát.

Nhưng nhìn chung, Ng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ sớm ổn định vì cả Trung Quốc và Mỹ đều đã chứng tỏ khả năng phục hồi trong đại dịch. Ngay cả lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc có thể cũng đã chạm đáy, ông nói thêm.

Ở Trung Quốc, bốn lĩnh vực quan tâm của ông Ng là nông nghiệp, dịch vụ y tế, các hoạt động kinh doanh liên quan tới nền kinh tế xanh và các công ty nằm trong chuỗi cung ứng cho các sản phẩm như ôtô. Đây là các mảng mà ông cho rằng có thể giúp thúc đẩy mô hình phát triển “tuần hoàn kép” của chính phủ.

“Nhưng bạn phải cẩn thận vì trong các lĩnh vực dịch vụ thiết yếu, Trung Quốc sẽ không cho phép xảy ra hành vi trục lợi. Chúng tôi đã thấy điều này trong lĩnh vực giáo dục và bây giờ là lĩnh vực bất động sản", ông nói, đồng thời cho biết thêm kỷ nguyên siêu tăng trưởng trong các lĩnh vực đó đã kết thúc.

Khi một ngày sắp kết thúc, Ng lại ngồi thiền một lần nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông đang sống chậm lại trong giai đoạn có thể coi là rực rỡ nhất trong sự nghiệp của mình.

“Tôi muốn nói rằng tất cả chúng tôi đều đang kinh doanh bằng cách suy đoán", ông nói về mình cũng như về các nhà đầu tư. “Nhưng một số người trong chúng ta đưa ra dự đoán với lợi thế kinh nghiệm và sự hiểu biết về những gì đang diễn ra, trong khi những người khác chỉ biết suy đoán một cách mù quáng".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm