Theo Reuters, chip đời cũ (legacy chip) hiện trở thành đấu trường mới của ngành bán dẫn. Mỹ và châu Âu đang củng cố hàng rào thương mại bằng cách bổ sung quy định vào lệnh cấm đã ban hành trước đó để ngăn Trung Quốc tạo nên làn sóng và mở rộng ảnh hưởng trong mảng này.
Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ năm 2022 định nghĩa legacy chip là những mẫu vi xử lý tiến trình từ 28 nm trở lên, không có công nghệ hiện đại, nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng do được ứng dụng nhiều trong máy tính, xe điện, thiết bị quân sự. Thống kê của Rhodium Group, tập đoàn chuyên phân tích dữ liệu kinh tế Mỹ, công bố tháng 4/2023, cho thấy Trung Quốc và Đài Loan dự kiến chiếm 80% công suất chế tạo chip 20-45 nm trên toàn cầu 3-5 năm tới. Trung Quốc đã chiếm 30% và có thể nâng lên 46% trong 10 năm tiếp theo.
Từ đầu tháng 1, Bộ Thương mại Mỹ tiến hành khảo sát chuỗi cung ứng bán dẫn và cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhằm xác định rõ cách những đơn vị này tìm nguồn cung legacy chip từ Trung Quốc.
Cuối tuần trước, Hạ nghị sĩ Mike Gallagher và Raja Krishnamoorthi gửi thư tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, yêu cầu dùng mọi biện pháp hiện có để hạn chế phụ thuộc của Mỹ vào chip đời cũ từ quốc gia tỷ dân. Các nhà lập pháp đề nghị thiết lập hàng rào thuế quan mới, đánh trực tiếp lên legacy chip thay vì các linh kiện thành phẩm.
Theo Nikkei, cũng trong tuần trước, Mỹ cho biết sẽ trao khoản hỗ trợ đầu tiên trị giá 162 triệu USD, giúp công ty Microchip Technology tăng cường sản xuất chip đời cũ, cạnh tranh với Trung Quốc. Số tiền này là một phần trong khoản chi 1,6 tỷ USD để mở rộng nhà máy tại bang Colorado và Oregon. "Bước đi nhằm củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn có trong nhiều thiết bị từ ôtô, máy giặt, cho đến tên lửa", Bộ trưởng Raimondo nói.
Các hình thức ngăn chặn của Mỹ chủ yếu xoay quanh đánh thuế nhập khẩu chip đời cũ và ủng hộ đơn vị sản xuất trong nước thông qua tiền vốn hoặc chính sách mới. Đây cũng là cách Trung Quốc áp dụng để tạo lợi thế trên thị trường. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, Trung Quốc đã hỗ trợ các công ty bán dẫn ước tính 150 tỷ USD trong thập kỷ qua, khiến nhiều đối thủ quốc tế rơi vào thế cạnh tranh bất bình đẳng.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng động thái của Mỹ là hành vi phân biệt đối xử với doanh nghiệp ngoại quốc, cố ý vũ khí hóa vấn đề kinh tế và khoa học công nghệ. Các chuyên gia đánh giá Trung Quốc sẽ đáp trả bằng việc tăng cường hậu thuẫn những công ty chip như SMIC, từ đó phá giá mảng legacy chip và từng bước chiếm lĩnh thị trường, tương tự cách đã làm với ngành pin năng lượng mặt trời.
"Hiện SMIC là đối thủ đáng gờm của UMC Microelectronics Corp tại Đài Loan và GlobalFoundries của Mỹ. Tuy nhiên, công ty này vẫn còn khả năng mở rộng quy mô sản xuất thêm nhiều lần", Mark Li, nhà phân tích thị trường chip của Bernstein Research, nói với AsiaFinancial.