Vì sao tỷ giá tăng mạnh trong đầu năm
Tại Tọa đàm "Đạp đáy cưỡi rồng 2024" của do Chứng khoán DNSE tổ chức, ông Trần Ngọc Báu, CEO của CTCP WiGroup chia sẻ quan điểm rằng tỷ giá đang và sẽ là vấn đề nóng ngay từ đầu năm 2024.
Ông cho biết trong những ngày gần đây, sau khi sự chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới quá cao thì các cơ quan thị trường, doanh nghiệp vàng đang gây sức ép để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhập khẩu vàng, hỗ trợ thị trường và thu hẹp khoảng cách giá. Theo CEO của WiGroup, diễn biến này đã gây tác động tâm lý lên tỷ giá.
Trong khi đó, vào ngày 11/1, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát ở Mỹ cao hơn so với kỳ vọng. Đồng thời, thị trường lao động của Mỹ vẫn tiếp tục mạnh mẽ, khiến cho những dự báo về việc lãi suất sớm được cắt giảm trở nên khó xảy ra hơn.
Ngay lập tức sau báo cáo trên, tỷ giá USD đã bật tăng khá mạnh. Tỷ giá trung tâm ngày 12/1 được NHNN công bố ở mức 23.976 VND/USD, tăng 28 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.777 - 25.175 VND/USD.
Tỷ giá bán được Sở giao dịch nâng thêm 30 đồng, đưa phạm vi mua bán lên mức 23.400 - 25.125 VND/USD. Sáng ngày 12/1, tại ngân hàng Vietcombank, tỷ giá cũng được điều chỉnh tăng 60 đồng ở cả chiều mua và chiều bán.
Thị trường đang chủ quan
Ông Báu cho rằng thị trường đang khá chủ quan trước câu chuyện tỷ giá: "Nếu đọc báo chí thì có thể thấy các chuyên gia đầu ngành đều cho rằng tỷ giá đã thông rồi, không cần lo lắng... Tuy nhiên, có hai vấn đề cần chú ý và quan sát sâu", ông nhấn mạnh.
Thứ nhất, ngay cả khi Mỹ giảm lãi suất theo vào cuối quý I, đầu quý II/2024 như thị trường kỳ vọng thì đến cuối năm 2024, lãi suất liên ngân hàng qua đêm ở Mỹ vẫn duy trì ở khoảng 4,5%. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng ở Việt Nam đang ở mức 0 đến 0,25%.
"Cứ cho rằng cả năm 2024 lãi suất liên ngân hàng lên khoảng hơn 1,5% thì chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn chênh nhau khoảng 2,5 đến 3 điểm %", ông Báu nói thêm.
Yếu tố thứ hai là việc rút ròng khá mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Ông Báu cho biết trong năm 2023, cả đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) đều có sự rút ròng. Quy mô rút ròng của FII khá nhỏ, chỉ khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, "tiền gửi và huy động vốn của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đang bị rút rất mạnh", ông cảnh báo. Chuyên gia cho biết trong quý III/2023, các doanh nghiệp nước ngoài đã rút tiền rất mạnh, tương tự như giai đoạn quý III/2022.
Cán cân vãng lai trong quý III năm ngoái lại có sự phục hồi, giúp cân bằng lại dòng tiền bị rút ra. Trong đó, xuất khẩu năm 2023 suy giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, nhưng nhập khẩu thậm chí còn giảm mạnh hơn, khiến thặng dư đạt kỷ lục.
CEO WiGroup cảnh báo sang năm 2024, khi nhập khẩu và tiêu dùng trong nước có sự phục hồi nhẹ thì sức ép lên cán cân thương mại sẽ lớn hơn và khó có thể duy trì mức thặng dư kỷ lục như 2023.Chênh lệch lãi suất cao sẽ tiếp tục gây áp lực tỷ giá, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm.
Từ những yếu tố trên, ông Báu dự báo đầu năm 2024 sẽ có áp lực tỷ giá, đến quý III/2024 áp lực nhẹ. Tuy nhiên trong cả năm, tỷ giá vẫn sẽ nằm trong khoảng mà NHNN mong muốn, với mức mất giá khoảng 2 - 3%. Ngoài ra, ông kỳ vọng dự trữ ngoại hối có thể tăng khoảng 5 tỷ USD, tương đương như trong năm ngoái.
Kết hợp với dự báo về lạm phát nóng hơn trong năm nay, ông Báu cho rằng "khó có thể kỳ vọng giai đoạn bùng nổ về thanh khoản, về tiền trong năm 2024".