Nêu ra các thách thức của nền kinh tế tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra ngày 11/1, các chuyên gia cho rằng không chỉ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài mà còn từ các vấn đề nội tại như đầu tư tư nhân và tiêu dùng rất yếu.
Nếu không có chính sách xử lý các vấn đề này, kinh tế Việt Nam khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đưa ra.
Đầu tư tư nhân và tiêu dùng thấp chưa từng có
Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng bên cạnh các thách thức từ bên ngoài nền kinh tế Việt Nam cũng gặp một vấn đề nghiêm trọng từ nội tại là đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp.
Theo bà, năm vừa qua Việt Nam đã chịu tác động của 4 cuộc khủng hoảng chồng lấn từ bên ngoài, gồm: Khủng hoảng kinh tế, chiến tranh Nga - Ukraine, giá cả tăng cao và lạm phát...
Ở trong nước, đầu tư tư nhân ở mức thấp nhất trong lịch sử, cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những vấn đề cần thời gian để giải quyết chứ không thể xử lý "một sớm một chiều". Bên cạnh đó,thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn và cần nhiều chính sách hỗ trợ, bà Madani đánh giá.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng một trong những thách thức của nền kinh tế là đầu tư tư nhân tăng thấp và tiêu dùng chưa từng có. Ông cho biết đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7% trong năm 2023, là mức thấp chưa từng có trong 10 năm vừa qua và thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 (3%).
"Tăng trưởng đầu tư tư nhân phải đạt 6 - 7% mới ổn được dưới 3% là mức rất thấp", ông nói và cho biết cách duy nhất để kích cầu cần lấy lại niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và việc cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh.
Tiêu dùng cuối cùng tăng rất thấp (3,52%), chỉ bằng nửa so với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 7%. "Đầu tư tư nhân và tiêu dùng tăng thấp là hai điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua. Vì vậy, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng cần phải kích thích hai yếu tố này", chuyên gia đánh giá.
Một vấn đề khác được TS. Lực đưa ra câu chuyện thực thi. Những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ hay kinh tế xanh dù có định hướng chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì vẫn trở thành một "điểm nghẽn" trong tăng trưởng.
Năng suất lao động năm 2023 chỉ tăng 3,57%, rất thấp mặc dù năm vừa qua chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ tăng rất tốt. "Thông thường, chuyển đổi số tốt sẽ giúp năng suất lao động tăng lên, GDP tăng trưởng thêm từ 0,65 - 1,35 điểm %, tức bình quân là 1% tăng trưởng thêm. Phải chăng là bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai khiến nền kinh tế vẫn còn trì trệ", chuyên gia đặt vấn đề.
Phục hồi kinh tế 2024
Để thúc đẩy tăng trưởng năm 2024, bàDorsati Madani cho rằng muốn phục hồi kinh tế Việt Nam cần cải thiện đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng trong nước. Phải xử lý những yếu tố nội tại để làm nền tảng cho các lĩnh vực khác phục hồi. Xuất khẩu, thương mại quốc tế được WB dự báo sẽ phục hồi trong năm sau khi các nền kinh tế khác gia tăng nhập khẩu.
Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng sẽ giảm và lạm phát tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ giảm. Đây là các yếu tố sẽ thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới.
"Chúng tôi dự báo sẽ có sự phục hồi từ từ trở về mức trước đại dịch với mức tăng trưởng 2024 đạt 5,5% nếu chính sách điều hành khôn ngoan, trong đó tập trung vào thúc đẩy kinh tế tư nhân”, vị chuyên gia của WB nhấn mạnh.
Bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, bà Madani cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới. Tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu nếu làm tốt có thể giúp GDP tăng trưởng từ 1,8 - 2%.
“Chúng tôi khuyến nghị các công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời”, bà Madani cho biết.
Còn trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ. Về phía các ngân hàng, vị chuyên gia WB nhấn mạnh giới ngân hàng cũng phải có kế hoạch hành động để hỗ trợ chiến lược xanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.
“Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này”, bà Madani chia sẻ.