Tài chính

Mỹ đề phòng kịch bản thêm nhiều ngân hàng phá sản

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết nhà chức trách Mỹ đã có cuộc thảo luận với lãnh đạo các ngân hàng, hy vọng rằng biện pháp trên sẽ giúp trấn an những người gửi tiền. Đây là một phần trong kế hoạch khẩn cấp của giới chức Mỹ trong bối cảnh quan ngại gia tăng về khả năng vận hành của các ngân hàng tập trung vào cộng đồng đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp.

Hôm 11/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với Thống đốc bang California Gavin Newsom về sự sụp đổ của SVB và những nỗ lực giải quyết tình hình.

Cùng trong ngày 12/3, hãng Reuters dẫn nguồn tin nội bộ của SVB cho biết FDIC đã đề nghị các nhân viên của ngân hàng này làm việc trong 45 ngày với mức lương bằng 1,5 so với bình thường.

Trong thư điện tử gửi các nhân viên SVB ngày 10/3, FDIC nêu rõ sẽ cung cấp thông tin về phúc lợi vào cuối tuần, trong khi các thông tin về bảo hiểm sức khỏe sẽ do công ty mẹ của ngân hàng SVB là SVB Financial Group chịu trách nhiệm cung cấp. Các nhân viên ngân hàng này được yêu cầu tiếp tục làm việc từ xa, trừ những vị trí thiết yếu và những người làm việc tại các chi nhánh. Tính đến cuối năm ngoái, SVB có 8.528 nhân viên.

Vào ngày 10/3 vừa qua, SVB - một trong những ngân hàng lớn nhất Thung lũng Silicon và lớn thứ 16 ở Mỹ - đã tuyên bố phá sản. Động thái đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần này và làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu khi hàng tỷ USD tiền gửi của nhiều công ty và nhà đầu tư "mắc kẹt". SVB sụp đổ sau khi khách hàng đổ xô tới rút tiền trong tuần này do lo lắng về tình trạng tài chính của ngân hàng. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng thương mại lớn thứ nhì trong lịch sử nước Mỹ, sau vụ ngân hàng Washington Mutual (WaMu) sụp đổ năm 2008 vào thời kỳ khủng hoảng tài chính. Giới chức điều hành ngân hàng bang California ngay lập tức đóng cửa SVB và chỉ định FDIC là nơi nhận tiền bán các tài sản của SVB sau này.

Theo thông báo của FDIC, trụ sở chính cũng như toàn bộ chi nhánh của SVB sẽ được mở cửa lại vào ngày 13/3 và tất cả những khách hàng có bảo hiểm tiền gửi sẽ được rút hết số tiền của mình chậm nhất là trong sáng hôm đó. Tuy nhiên, theo FDIC, tính tới cuối năm 2022, có tới 89% trong tổng số 175 tỷ USD tiền gửi ở SVB là không có bảo hiểm tiền gửi. Để giải quyết vấn đề này, FDIC cho biết sẽ tìm cách bán tài sản của SVB để sau này chi trả cổ tức cho những khách hàng không có bảo hiểm tiền gửi.

Tại Anh, Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 11/3 thông báo đang nỗ giảm thiểu nguy cơ gián đoạn có thể phát sinh từ việc chi nhánh của SVB tại nước này dừng hoạt động.

Hơn 250 lãnh đạo các công ty công nghệ Anh đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, để kêu gọi chính phủ nước này can thiệp. Nội dung thư nhấn mạnh việc SVB phá sản cho thấy mối đe dọa hiện hữu với ngành công nghệ Anh. Trong tình hình kinh tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động khó khăn và hệ lụy từ tình trạng vỡ nợ sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, chứ không riêng lĩnh vực công nghệ.

Trước đó, Sky News đưa tin Ngân hàng London đang xem xét giải cứu chi nhánh tại Anh của SVB. Theo quy trình giải quyết vỡ nợ đối với các ngân hàng tại Anh, những người gửi tiền có thể được nhận 85.000 bảng (102.000 USD) bồi thường cho tiền gửi tại ngân hàng, hoặc 170.000 bảng (205.000 USD) cho tài khoản chung.

Bộ Khoa học, Đổi mới và Công nghệ Anh đang thảo luận với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng. Nhà chức trách Anh khẳng định hệ thống ngân hàng nước này vẫn mạnh và có sức chống chịu tốt. Các vấn đề đang ảnh hưởng tới SVB chỉ liên quan trực tiếp tới ngân hàng này và không có tác động tới những ngân hàng khác hoạt động tại Anh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm