Sau giai đoạn thị trường chung có nhiều thách thức, nhiều công ty chứng khoán đang tự tin với bức tranh kinh doanh năm 2024, một số đơn vị đặt chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng cũng như mở rộng đầu tư để đón đầu cơ hội mới.
Chứng khoán khởi sắc
Chứng khoán LPBank (LPBS) mới đưa ra kế hoạch kinh doanh tham vọng với chỉ tiêu doanh thu gần 156 tỷ đồng và lãi trước thuế 40 tỷ đồng, tương ứng tăng 270% và 185% so với thực hiện 2023.
Công ty chứng khoán còn nhắm đến mục tiêu mở rộng quy mô thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng, đồng nghĩa tăng vốn điều lệ gấp 16 lần hiện tại.
Mục đích để mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh so với các công ty chứng khoán khác, một rộng mạng lưới chi nhánh tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng… Đồng thời công ty cũng đăng ký lại làm thành viên HOSE và HNX, tăng quy mô nhân sự gấp 7 lần lên 200 người trong năm nay.
Chứng khoán Mirae Asset vừa công bố tờ trình họp cổ đông thường niên đề xuất kế hoạch doanh thu 2.730 tỷ và lợi nhuận trước thuế 913 tỷ đồng, lần lượt cao hơn 9% và 23% so với thực hiện năm ngoái.
Công ty đánh giá thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%, tập trung phát triển thị trường vốn, lãi suất cho vay giảm và các chính sách hỗ trợ sẽ giúp cho đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa.
Theo đó, Mirae Asset muốn mở rộng hoạt động môi giới với mục tiêu nâng thị phần tại sàn HOSE lên top 5, đầu tư vào hệ thống và đội ngũ công nghệ, phát triển kênh giao dịch không môi giới nhằm đón đầu làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường...
Hay Chứng khoán Phú Hưng (Mã: PHS) đặt chỉ tiêu doanh thu hoạt động năm nay gần 745 tỷ đồng, tăng 33% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế tăng 127% lên 101 tỷ đồng. Công ty dự báo VN-Index có thể đạt 1.460 điểm trong năm nhờ triển vọng kinh tế tươi sáng hơn và bước ngoặc hệ thống KRX đưa vào vận hành.
Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI) đặt kế hoạch doanh thu ở mức 382 tỷ và kế hoạch lãi ròng ở mức 148 tỷ đồng, lần lượt tăng 150% và tăng 31% so với các chỉ tiêu của năm 2023.
Doanh nghiệp lớn trở mình
Sau năm 2023 đầy thách thức, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã lên kế hoạch tăng trưởng trở lại. Trong đó, mục tiêu doanh thu dự kiến tăng 5% lên 125.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, cao gấp 14 lần so với thực hiện năm ngoái.
Công ty bán lẻ này nhìn nhận thị trường 2024 vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhu cầu mua sắm tiêu dùng nhìn chung đi ngang hoặc giảm với một số mặt hàng không thiết yếu. Nhưng sau đợt tái cấu trúc toàn diện cuối năm ngoái, công ty nói có dư địa để tiếp tục củng cố doanh thu và cải thiện lợi nhuận.
Chiến lược kinh doanh được xây dựng trên mức nền lợi nhuận thấp nhất một thập kỷ của năm 2023. MWG chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm ngoái do sự suy giảm trong hoạt động bán lẻ điện máy và chuỗi Bách Hóa Xanh chưa đạt được hiệu quả mong muốn.
Một doanh nghiệp khác cũng lên kế hoạch trở mình là Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC). Công ty chăn nuôi nhắm mục tiêu doanh thu 25.380 tỷ, mức kế hoạch cao nhất trong lịch sử và là năm thứ 3 liên tiếp đặt mục tiêu thu tỷ USD (đều không hoàn thành kế hoạch).
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế gần 730 tỷ đồng, con số này cao hơn 29 lần so với thực hiện năm ngoái. Công ty đề ra kế hoạch tham vọng dựa trên tính toán giá thịt lợn ở mức 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Ở lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) cũng vừa trải qua năm kinh doanh giông bão khi thị trường chung trầm lắng. Công ty tiếp tục lỗ sau thuế 782 tỷ đồng, việc thu hồi công nợ từ các chủ đầu tư gặp khó khăn khiến công ty phải trích lập dự phòng lớn.
Tuy nhiên bước sang năm 2024, doanh nghiệp đặt kỳ vọng hồi phục mạnh với chỉ tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 14% và lợi nhuận sau thuế chuyển sang số dương 433 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đồng với thời kỳ 2019, trước khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch và bất động sản xuống dốc.
Công ty cũng cho thấy một số động thái tích cực gần đây như ký kết hợp đồng tổng thầu D&B dự án khu nhà ở xã hội tại Hải Phòng trị giá 4.000 tỷ đồng, trúng thầu 5 dự án tại Kenya với giá trị khoảng 72 triệu USD.
Công ty Digiworld (Mã: DGW) lên kế hoạch doanh thu 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 490 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 38% so với thực hiện năm 2023. Chỉ tiêu này dựa trên kỳ vọng 2024 là thời điểm thay mới các thiết bị điện thoại, laptop sau giai đoạn đỉnh điểm mua vào năm 2021.
Công ty còn dự kiến doanh thu sẽ tăng mạnh ở mảng thiết bị văn phòng và thiết bị gia dụng, đồng thời mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như phân phối máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh Xiaomi; phân phối độc quyền nhãn hàng Poly, đầu tư chuỗi cầm đồ Vietmoney…
Một số doanh nghiệp khác cũng đặt kế hoạch kinh doanh tích cực trong năm 2024 có thể kể đến như Thương mại SMC muốn có lãi trở lại 80 tỷ đồng, công ty bất động sản Hodeco đưa mục tiêu lợi nhuận gấp 3 lần lên 424 tỷ đồng, Chứng khoán Thành Công kỳ vọng lãi tăng 31% lên 148 tỷ đồng...
Thực tế, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong quý cuối năm 2023 khi lãi ròng toàn thị trường chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Dù vậy, lãi ròng cả năm vẫn giảm 5,6% so với năm 2022.
Bộ phận phân tích VNDirect còn nhận thấy các doanh nghiệp đã giảm bớt áp lực về lãi vay nhờ việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thẩm thấu vào nền kinh tế, chi phí lãi vay về mức 6,2% trong quý IV/2023, giảm 0,6 điểm % so với quý III/2023.
Chuyên gia VNDirect kỳ vọng chi phí lãi vay sẽ tiếp tục giảm do chi phí huy động của các ngân hàng xuống thấp và doanh nghiệp bắt đầu tăng vay nợ trở lại, theo đó sẽ góp phần thúc đẩy lợi nhuận toàn thị trường.