Tài chính

Phó Thống đốc: Nhất trí kéo dài Thông tư 02, sẽ ban hành cơ chế trong quý I

 Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú. (Ảnh: SBV).

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thực hiện kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đề xuất của các ngân hàng.

"NHNN nhất trí với chủ trương kéo dài Thông tư 02, còn thời gian kéo dài thêm bao lâu, nửa năm, một năm, hay bao nhiêu sẽ cần có đánh giá kỹ hơn. Đề nghị Vụ tín dụng cùng cơ quan thanh tra, vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024", Phó Thống đốc nói.

Vấn đề này đã được đại diện nhiều ngân hàng nêu kiến nghị tại hội nghị và nhiều cuộc họp trước đó. Ông Đỗ Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách VietinBank đánh giá: "Khách hàng sẽ tiếp tục khó khăn trong đầu năm 2024 và kéo đến đầu năm 2025, cho nên việc kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết".

 

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng kiến nghị về vấn đề trích lập dự phòng cụ thể cho các khoản nợ trung hạn đã được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Theo ông với các kỳ hạn mà nhóm khách hàng này đã thanh toán đủ nợ thì không phải trích dự phòng bổ sung cho phần còn lại vì thời gian cho vay trung hạn còn kéo dài.

Ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cũng cho rằngviệc Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các doanh nghiệp trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư tới hết năm 2024.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc MB và Tổng Giám đốc VPBank đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 12 tháng (tức đến tháng 6/2025), cộng thêm các điều kiện là hợp lý để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Trước đó, vào tháng 4/2023, NHNN đã ban hành liên tiếp hai Thông tư có hiệu lực ngay điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng (Thông tư 03) và quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02).

Theo nhận định của giới chuyên gia,với hai thông tư này, các ngân hàng hiện được cung cấp các công cụ cần thiết để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay BĐS. 

Trong khi đó, người đi vay có thể có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị trả nợ cho các khoản vay sắp tới. Do đó, đây là tin tức hỗ trợ cho một số đối tượng tham gia thị trường, bao gồm cả ngân hàng và người đi vay, mặc dù việc áp dụng sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. 

Cụ thể, người đi vay sẽ có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Còn về phía ngân hàng, áp lực lên cả bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang đến nửa cuối năm 2024.

Theo quan điểm của Chứng khoán SSI, các ngân hàng có thể hưởng lợi trong năm 2023 từ Thông tư 02 là những ngân hàng có tỷ lệ cho vay cao đối với chủ đầu tư BĐS như VPBank, Techcombank, MB, TPBank, HDBank…  

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, mặc dù Thông tư 02 và 03 của NHNN rất kịp thời nhằm giúp doanh nghiệp vượt quá khó khăn, tuy nhiên nếu các doanh nghiệp không phục hồi được, rủi ro nợ xấu có thể tăng lên sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến cả doanh nghiệp, bên vay và tổ chức tài chính.

Cụ thể, Thông tư 02 cho phép các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, qua đó góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và tiếp theo.

Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm trợ lực cho doanh nghiệp, người dân và giúp chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn.

Các tổ chức tín dụng cần sớm có hướng dẫn nội bộ, chủ động đánh giá, theo dõi, trích lập dự phòng rủi ro, kiểm tra giám sát đảm bảo thực hiện đúng, giảm thiểu trục lợi, hướng dẫn và phối hợp truyền thông, triển khai thành công. Đồng thời, doanh nghiệp, bên vay cần nắm rõ phạm vi, đối tượng và điều kiện cơ cấu lại, điều kiện TPDN được mua lại, thiện chí phối hợp với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp phát hành để hoàn thiện hồ sơ theo qui định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm