Sáng 20-2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1-2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Nhiều "ông lớn" ngân hàng cũng khó tăng tín dụng
Ông Phạm Toàn Vượng, tổng giám đốc Agribank, cho hay ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm. Sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào, nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank, thông tin hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 1,24 triệu tỉ đồng, giảm khoảng 30.000 tỉ (tương đương 2,23%) so với cuối năm 2023.
Nguyên nhân, theo ông Tùng, do tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.
"Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu. Tỉ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn có yếu tố thời vụ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm, trong khi đây là nhóm khách hàng quan trọng của Vietcombank. Các khách hàng FDI cũng trả nợ khoản vay ngắn hạn.
Về giải pháp, trong thời gian tới là tiếp tục triển khai cho vay lãi suất thấp so với thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đã thấp hơn cả thời kỳ COVID-19 nên lãi suất không phải là vấn đề đối với khách vay.
Ông Trần Long, phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, cũng cho hay đến nay tín dụng giảm khoảng 25.000 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là kinh tế khó khăn. Các động lực tăng trưởng sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu… đối mặt nhiều khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu chậm. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng nhẹ nhưng doanh nghiệp tạm ngừng tăng 25% so với cùng kỳ.
Thêm vào đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu, điện đối mặt với pháp lý. Các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tăng theo. Doanh nghiệp có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn.
Ông Long mong Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét tháo gỡ thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần kéo dài thời hạn áp dụng thông tư 02 đến hết năm 2024 thay vì đến giữa năm.
Nghe từ các tổ chức tín dụng để điều hành, không chủ quan
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết năm 2024 tình hình vẫn tiếp tục khó khăn. Dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm 2023.
Để tháo gỡ khó khăn cho năm 2024, ngay từ cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2024.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về triển khai công việc như triển khai dự án lớn thì Ngân hàng Nhà nước phải có điều hành về tín dụng.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp có những khó khăn, ngân hàng phải tháo gỡ khó khăn, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Chính vì vậy, đầu năm ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì hội nghị này để đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đặt câu hỏi: Tín dụng những tháng đầu năm giảm có phải do xu hướng hay quy luật hay do nguyên nhân nào khác?
"Lãi suất là vấn đề luôn được quan tâm. Nếu thấp quá cũng không phải là hay vì lãi suất phải phù hợp với các chỉ tiêu chung của nền kinh tế, đặc biệt là tỉ giá. Nhưng liệu lãi suất của các khoản cho vay trước đây đã giảm chưa?
Về thông tư 02, thống đốc vừa phát biểu thì có kéo dài hay không, nếu có thì kéo dài bao lâu? Thay đổi nội hàm của thông tư có cần hay không? Nhưng nếu không làm đúng khách quan thì khó khăn của doanh nghiệp sẽ chuyển sang ngân hàng vì những khoản nợ tiếp tục được giãn, hoãn", ông Tú nói thêm.