"Nếu có tiền, đã thuê nơi tiện nghi hơn"
Giống như nhiều người Nhật Bản, Arata Noguchi, 27 tuổi, hiện đang sinh sống ở Tokyo, thích ngâm mình trong bồn tắm. Việc này giúp Noguchi “gột rửa” căng thẳng sau một ngày dài làm việc. Nhưng không giống hầu hết mọi người ở đô thị giàu có, chàng trai này phải ra ngoài tắm vì không có vòi hoa sen hay bồn tắm.
Ngôi nhà Noguchi đang sống được biết đến với tên gọi “furonashi bukken”, nghĩa đen là “không tắm”, chỉ rộng vỏn vẹn hơn 14m2. Furonashi bukken đang trở thành chủ đề tranh luận sau khi một kênh truyền hình đưa tin về xu hướng yêu thích loại hình nhà của với những người trẻ hoài cổ, yêu thích những nhà tắm công cộng được gọi là sento.
Video này đã vấp phải chỉ trích khi “lãng mạn hóa” tình trạng tài chính eo hẹp của giới trẻ, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch Covid-19 và lạm phát cao.
Trả lời VICE World News, bà mẹ 2 con ở Tokyo Mariko Kobayashi cho biết những người trẻ “không có lựa chọn nào ngoài việc sống trong những căn hộ này vì họ không đủ khả năng chi trả cho nơi khác”. “Nếu có tiền, họ đã thuê nơi đầy đủ tiện nghi hơn", Kobayashi nói.
Trên Twitter của Nhật Bản, các dòng tweet về việc người trẻ có ít sự lựa chọn, buộc phải sống trong nhà không phòng tắm đang nhận hàng nghìn lượt chia sẻ. Nhiều tờ báo cũng đang khai thác chủ đề này.
Seijurou Tsukano, một nhân viên bán thời gian 42 tuổi ở Tokyo, từng sống trong một ngôi nhà cũ kỹ, không có vòi sen trong gần một thập kỷ vì khó khăn về tài chính. Thời điểm đó, nhà không có phòng tắm chỉ có giá 10.000 yên (1,8 triệu đồng). Ông chọn tắm ở nhà tắm công cộng hoặc phòng tập thể dục, nhưng phải thừa nhận “lối sống này rất bất tiện”.
“Cuối cùng, tôi đã mua một bể bơi trẻ em bằng nhựa và sử dụng nó như một bồn tắm”, Tsukano nói.
Hiện người đàn ông đã có thể sống trong một căn hộ có vòi hoa sen, nhưng ký ức về khoảng thời gian phải mang xô đến bồn rửa chung của tòa nhà, lấy nước đổ vào bể bơi khiến Tsukano không mấy thích thú.
Một lối sống không mới tại xứ phù tang
Furonashi bukken vô cùng phổ biến từ nhiều thập kỷ trước, khi hệ thống sưởi bằng khí đốt vẫn chưa phổ biến trong nhà riêng. Đi kèm với đó là nhiều phòng tắm công cộng hơn, đỉnh điểm là năm 1968, có 18.000 sento trên toàn nước Nhật, trong khi con số đó hiện nay chỉ còn 1/10.
Suy thoái kinh tế có thể khiến những căn hộ giá rẻ, không có phòng tắm trở nên hấp dẫn hơn với người thuê nhà, dù hiện giờ nó vẫn chưa thực sự bùng nổ.
Bên trong căn nhà không phòng tắm của Miki Nakazawa, có giá thuê 50.000 yên/tháng
Natsuko Kashima, một đại lý bất động sản quản lý trang web đăng thuê các bất động sản không có phòng tắm ở Tokyo, cho biết cô nhận được câu hỏi về những căn hộ này khoảng 2 lần/tuần, nhưng chưa thấy nhu cầu tăng đáng kể. Giá của furonashi bukken rơi vào khoảng 20.000 - 40.000 yên/ tháng (3,5-7 triệu đồng), chiếm khoảng 4% nhà ở có sẵn ở Tokyo.
Người phụ nữ này cho biết người thuê nhà thường độc thân và ở độ tuổi 20-30. Lý do lựa chọn của họ cũng rất đa dạng, từ người muốn theo chủ nghĩa tối giản, ít đồ đạc đến những người yêu thích nhà tắm công cộng, muốn tiết kiệm chi phí.
Kashima hoàn toàn hiểu nhu cầu này bởi ngôi nhà của bà cô cũng không có phòng tắm. Khi còn nhỏ, mỗi khi người phụ nữ này đến thăm bà của mình, cả gia đình sẽ tới phòng tắm công cộng cùng nhau và đã có nhiều kỷ niệm vui vẻ.
Kiến trúc sư Arata Noguchi cho biết việc không tắm tại nhà vẫn hoàn toàn ổn với anh. “Tôi làm việc khá muộn nên chỉ đến nhà tắm công cộng trước khi về nhà nên cũng không tốn quá nhiều thời gian để di chuyển”, Noguchi nói.
Lối sống thực tế này còn giúp anh tiết kiệm thời gian dọn dẹp nhà vệ sinh, giữ cho không gian sống của Noguchi ngăn nắp, tránh cho người đàn ông này sự “mệt mỏi về tinh thần” vì nhà bẩn.
Theo Vice