Theo Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay, 284 công dân nước này đã thiệt mạng và 2.300 người khác bị thương. Trong khi đó ở Syria, số ca tử vong được xác định là 386 và hàng trăm người bị thương. Tổng cộng số trường hợp tử vong được xác nhận là 670 người.
Đây là trận động đất mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 100 năm qua. Địa chấn đã phá hủy nhiều ngôi nhà, tạo ra một cảnh tượng hoang tàn trên diện rộng. Người dân buộc phải tháo chạy tới những nơi trống trải.
Ít nhất 18 dư chấn đã được ghi nhận sau trận động đất mạnh. Thậm chí, có tới 7 dư chấn có cường độ mạnh hơn 5 độ. Cơn dư chấn mạnh nhất đạt tới 6,7 độ, xảy ra chưa đầy 11 phút sau địa chấn khủng khiếp. Các nhà nghiên cứu nói rằng địa chấn có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới.
Ở Syria, các bệnh viện đã lâm vào tình trạng quá tảng khi số người bị thương tăng vọt. Những biện pháp khẩn cấp đã được ban hành nhằm chăm sóc tốt nhất cho những người bị bệnh. Nhiều cơ sở y tế đang phải oằn mình cứu chữa người bị thương ngay cả khi cơ sở hạ tầng bị hư hại do địa chấn.
Ngay sau trận động đất, Israel đã thông báo sẵn sàng gửi viện trợ khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant cho biết lực lượng vũ trang của nước này đang chuẩn bị cung cấp những gì cần thiết cho nỗ lực đối phó thảm họa của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây đều là những lực lượng có nhiều kinh nghiệm trong đối phó thảm họa và cứu hộ cứu nạn.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết trận động đất 7,8 độ richter xảy ra lúc 4h ngày 6/2 theo giờ địa phương. Tâm chấn nằm ở độ sâu 24,1km, cách Nurdagi, tỉnh Gaziantep 23 km về phía đông. Nurdagi nằm dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Trận động đất tàn phá cả Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Lebanon.
Do trận động đất xảy ra lúc sáng sớm, khi hầu hết người dân vẫn đang ngủ, nên gần như không kịp phản ứng. Chính điều này khiến các nhà chức trách lo ngại số lượng lớn nạn nhân đang kẹt dưới những đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ và người dân đã bắt đầu triển khai việc tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt.
USGS cho biết đây là trận động đất mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, khi một cơn địa chấn cường độ tương tự đã làm 30.000 người thiệt mạng. Các trận động đất có cường độ này rất hiếm, chưa tới 5 trận/năm. Trong 25 năm qua, chỉ có 7 trận động đất cường độ 7 độ được ghi nhận ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 25 năm qua nhưng đây là trận mạnh nhất.
Nhà báo Eyad Kourdi, sống ở Gaziantep cùng bố mẹ khi động đất xảy ra. Anh cho biết những cơn địa chấn kéo dài như thể nó không bao giờ kết thúc. Khi bước ra khỏi nhà, mọi người vẫn mặc đồ ngủ bất chấp tuyết dày bên ngoài. Họ đứng đợi trong mưa tuyết khoảng 30 phút trước khi quay vào nhà lấy áo khoác và giày.
Những hình ảnh cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của địa chấn cũng đã bắt đầu xuất hiện trên mạng Internet. Những tòa nhà bị san phẳng, kim loại nằm rải rác trên đường phố, ô tô bị lật… khiến cảnh tượng trông chẳng khác gì ngày tận thế.
Tham khảo: CNN