Công cụ này được tạo ra để trả lời các câu hỏi của người dùng theo cách nói chuyện, đã tạo ra nhiều tiếng vang đến mức các bác sĩ và nhà khoa học đang cố gắng tìm ra những hạn chế của nó và tìm hiểu xem nó có thể làm gì cho sức khỏe và y học.
Các chuyên gia cho rằng, ChatGPT là nền tảng hứa hẹn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Liệu, nó có thể thay thế bác sỹ trong tương lai?
ChatGPT là gì?
ChatGPT, hay Chat Generative Pre-training Transformer, là một công cụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này do OpenAI có trụ sở tại San Francisco tạo ra và ra mắt vào tháng 11/2022.
ChatGPT đang gây bão toàn cầu bởi sự thông minh đến ngạc nhiên
Nó có thể trả lời các câu hỏi của người dùng theo dạng trò chuyện ngay cả khi chưa từng nhìn thấy chuỗi từ hay câu hỏi. Thuật toán được thiết lập để dự đoán các từ khóa sẽ xuất hiện trong câu hỏi dựa trên ngữ cảnh của những từ trước đó. ChatGPT cũng có thể trả lời các vấn đề liên quan tiếp theo, thừa nhận sai lầm và từ chối những câu hỏi không phù hợp.
ChatGPT đã vượt qua kỳ thi y tế ra sao?
Các chương trình trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện được một thời gian, nhưng chương trình này thu hút nhiều sự quan tâm đến mức các cơ sở y tế, hiệp hội nghề nghiệp và tạp chí y khoa đã thành lập các nhóm đặc nhiệm để xem nó có thể hữu ích như thế nào và hiểu những hạn chế cũng như mối lo ngại về đạo đức mà nó có thể mang lại.
Tiến sĩ Victor Tseng, giám đốc Bệnh viện Ansible Health và các đồng nghiệp bắt đầu thử nghiệm ChatGPT vào năm ngoái. Ông tỏ ra thích thú khi nó chẩn đoán chính xác cho bệnh nhân trong tình huống giả định.
"Chúng tôi rất ấn tượng và thực sự sửng sốt trước tài hùng biện cũng như phản ứng trôi chảy của nó. Đến nỗi chúng tôi quyết định rằng mình nên thực sự đưa ChatGPT vào quy trình đánh giá chính thức của mình và bắt đầu kiểm tra nó dựa trên tiêu chuẩn về kiến thức y tế", Tiến sĩ Victor Tseng nói.
Để tìm hiểu sâu hơn, ông bắt đầu sử dụng ChatGPT để thực hiện bài kiểm tra cấp phép chứng chỉ hành nghề của các sinh viên tốt nghiệp trường y ở Mỹ. Đó là một trong những đề thi khó nhất vì những câu hỏi không đơn giản để tìm thấy câu trả lời trên internet.
Bài kiểm tra gồm ba phần, liên quan đến kiến thức khoa học, y tế, quản lý ca bệnh, đánh giá lý luận lâm sàng, đạo đức, tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nhóm nghiên cứu sử dụng 305 câu hỏi kiểm tra từ kỳ thi mẫu năm 2022, không có sẵn câu trả lời hoặc ngữ cảnh liên quan trên Google. Các tác giả cũng loại bỏ các câu hỏi mẫu có hình ảnh và đồ thị, đồng thời bắt đầu trò chuyện với ChatGPT dựa trên các câu hỏi có sẵn. Thông thường, sinh viên dành hàng trăm giờ để chuẩn bị cho các kỳ thi thế này.
Nghiên cứu cho thấy AI đã trả lời đúng 60% gần hết các phần của bài kiểm tra mà không cần bất kỳ khoa đào tạo chuyên môn nào, có "lời giải phù hợp, thể hiện mức độ hiểu biết cao".
ChatGPT có thể vượt qua kỳ thi thực hành y khoa dù các câu trả lời không có trên Google
"Có rất nhiều câu hỏi bẫy. Tìm kiếm trên Google, thậm chí tra cứu sách vở là rất khó. Bạn có thể mất hàng giờ để trả lời một câu hỏi theo cách này. Tuy nhiên, ChatGPT đã đưa ra câu trả lời chính xác 60% trong thời gian quy định", tiến sĩ Tseng nói.
Song, Tiến sĩ Alex Mechaber, phó chủ tịch Kỳ thi Cấp phép Y tế Hoa Kỳ tại Ủy ban Giám định Y khoa Quốc gia cho biết, kết quả ChatGPT đạt được không làm ông ngạc nhiên. "Tài liệu đầu vào phần lớn là kiến thức y học và loại câu hỏi trắc nghiệm mà AI có nhiều khả năng thành công nhất".
Tiến sĩ Mechaber cho biết thêm, hiện hội đồng cũng đang thử nghiệm ChatGPT với nhiều kỳ thi. Các thành viên đặc biệt quan tâm đến câu trả lời mà công nghệ đã sai và họ muốn hiểu tại sao.
ChatGPT tham gia viết báo và nghiên cứu y tế
Hiện tại, ChatGPT đã tham gia thảo luận về nghiên cứu và viết báo.
Kết quả của nghiên cứu về kỳ thi cấp phép hành nghề y thậm chí còn được viết ra với sự trợ giúp của ChatGPT, theo CNN.
Một bài báo được xuất bản hôm 2.2 trên tạp chí Radiology đã được viết gần như hoàn toàn bởi ChatGPT.
ChatGPT có thay thế được bác sỹ?
ChatGPT có thể được dùng làm trợ lý ảo cho các bệnh nhân, đưa ra đề xuất và lời khuyên dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng hiện tại và các yếu tố liên quan khác.
Ứng dụng tiềm năng khác là tạo ra các kế hoạch điều trị được cá nhân hóa. Bằng cách phân tích lịch sử y tế, triệu chứng hiện tại và các yếu tố khác, ChatGPT tạo ra liệu trình tùy chỉnh theo sở thích cụ thể từng người. Điều này đặc biệt hữu ích đối với các bệnh nhân có bệnh cảnh phức tạp, giảm nguy cơ phản ứng bất lợi hoặc các biến chứng.
Công cụ cũng có thể hỗ trợ chuyên gia y tế thực hiện các công việc hàng ngày, chẳng hạn sao lưu hồ sơ y tế hoặc tạo báo cáo. Dù vậy, ChatGPT và các công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo nói chung vẫn có nhiều hạn chế và tiềm ẩn rủi ro.
ChatGPT có thể trở thành công cụ hỗ trợ bác sỹ chứ không thể thay thế con người
Linda Moy, giáo sư X-quang tại Trường Y khoa NYU Grossman, nhận định mọi thứ liên quan đến AI cần có hành lang pháp lý. Theo bà, các bài viết của ChatGPT có thể chính xác, nhưng nó chỉ mang tính chất tham khảo. Một trong những lo ngại khác của Moy là AI có thể ngụy tạo dữ liệu y tế. Nguồn thông tin của ChatGPT vẫn nằm trong các kho trực tuyến, chẳng hạn Google. Đối với những vấn đề có quá nhiều luồng dữ liệu và thông tin sai lệch, chẳng hạn vaccine Covid-19, ChatGPT có nguy cơ cho ra các kết quả không chính xác.
Bên cạnh đó, theo theo tiến sĩ Artie Shen, Trung tâm Khoa học Dữ liệu Đại học New York, AI có thể đưa ra chẩn đoán đối với một căn bệnh, song người dùng không thể biết lý do dẫn đến các chẩn đoán này vì thiếu lý luận thực tiễn.
Đồng quan điểm, theo tiến sĩ Keith Horvath, Hiệp hội Cao đẳng Y khoa Mỹ, về cơ bản, trí tuệ nhân tạo nói chung không cấp tiến hơn so với con người.
"Con người và máy móc có những ưu điểm khác nhau, không thể hoạt động riêng lẻ", ông nói.
Tiến sĩ Horvath nhận định bác sĩ có phương pháp làm việc phi tuyến tính, dễ dàng thích ứng với các điều kiện luôn thay đổi và tình huống phát triển nhanh chóng. Sự khéo léo và linh hoạt đó vẫn rất khó để dạy cho máy tính.
Quan trọng nhất, AI không thể thay thế y đức và sự đồng cảm đến từ các bác sĩ. "Như chúng ta đã biết, điều đầu tiên trong công tác chăm sóc người bệnh là quan tâm đến họ", ông Horvath nói.