Tài chính

USGS: 10.000 người có thể thiệt mạng trong trận động đất thế kỷ ở Thổ Nhĩ Kỳ, thiệt hại có khả năng lên tới 2% GDP

Theo ước tính của USGS, có 47% khả năng số người thiệt mạng trong vụ động đất mạnh 7,8 độ, xảy ra rạng sáng 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, là 1.000 tới 10.000 người. Chỉ có 27% cơ hội có dưới 1.000 người thiệt mạng. Con số này không cao hơn quá nhiều so với 20% cơ hội có tới 10.000 tới 100.000 người thiệt mạng trong thảm họa. Năm 1939, một cơn địa chấn cường độ tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm 30.000 người thiệt mạng.

Các ước tính của USGS tới từ việc mô hình hóa các trận động đất lịch sử trong khu vực, khi người dân phải chịu tác động nặng nề của địa chấn cũng như tính dễ tổn thương của các công trình ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Thương vong cao và thiệt hại lớn có thể xảy ra. Thậm chí, thảm họa còn có khả năng lan rộng. Dân cư trong khu vực này sống trong những tòa nhà dễ bị rung chuyển bởi động đất. Dù vẫn còn những công trình đứng vững như thảm họa được dự báo là rất lớn. Ngoài ra, thiệt hại kinh tế vào khoảng từ 1 đến 10 tỷ USD, thậm chí là 2% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2021, GDP Thổ Nhĩ Kỳ đạt 819 tỷ USD)”, báo cáo của USGS cho biết.

Cho đến thời điểm hiện tại, 670 người được xác định đã thiệt mạng và 3.000 người khác bị thương ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy nhiên, số người thiệt mạng được dự báo sẽ tiếp tục tăng, khi lực lượng cứu hộ và người dân có thể tiếp cận sâu hơn tới những công trình bị phá hủy. Trận động đất xảy ra lúc 4h sáng nên hầu hết mọi người không có cơ hội thoát thân nếu ngôi nhà của họ bị sập sau đợt rung lắc đầu tiên.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi các dư chấn mạnh xảy ra gần như ngay lập tức sau đợt rung lắc đầu tiên. Dư chấn mạnh nhất đạt tới 6,7 độ, xảy ra chỉ 11 phút sau khi động đất xảy ra. Những đợt dư chấn mạnh sẽ góp phần hạ gục những ngôi nhà, vốn đang siêu vẹo do bị tác động nặng nề.

Đây là trận động đất mạnh trên 7 độ thứ 7 xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 25 năm qua và cũng là trận động đất mạnh nhất. Nhiệt độ giá lạnh đang bao trùm khu vực càng khiến những nỗ lực cứu hộ gặp khó khăn hơn. Nó cũng khiến thảm họa trở nên tồi tệ khi hàng nghìn người dân không tìm thấy nơi trú ẩn an toàn sau động đất.

Cơ quan khí tượng cho biết thời tiết xấu, với tuyết rơi và nhiệt độ dưới 0 có thể sẽ cản trở nỗ lực cứu hộ. Nhiệt độ ở Gaziantep dự kiến sẽ giảm xuống -6 độ C trong ngày 7/2, khiến các nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn gặp thách thức to lớn.

Nhiều quốc gia đã thông báo về việc sẵn sàng cử đội cứu hộ tới giúp Thổ Nhĩ Kỳ và cả Syria ứng phó với thảm họa. Tuy nhiên, nỗ lực cứu hộ hiện tại vẫn chủ yếu phụ thuộc vào lực lượng nước sở tại và người dân địa phương. 1.000 tình nguyện viên đã được triển khai từ Istanbul tới khu vực miền nam đất nước để hỗ trợ những người gặp nạn.

Lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ chia buồn với các quốc gia phải chịu thảm họa đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ. Hà Lan và Israel nằm trong số các nước cam kết trợ giúp sau khi cơ quan phụ trách thiên tai của Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Tham khảo: CNN

Cùng chuyên mục

Đọc thêm