Thời sự

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm giai đoạn 2021-2030.

Ngày 16/12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10 để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, mục tiêu tổng quát trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021-2030, riêng vùng Đông Nam Bộ tăng khoảng 8-8,5%/năm, vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 9%/năm.

 

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tầm nhìn đến năm 2050 là nước phát triển, thu nhập cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoản, kinh tế xanh, cac-bon thấp.

Giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

 

Để đạt được những chỉ tiêu trên, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); Vùng động lực phía Nam (TP HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); Vùng lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi); Vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long.

Các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên.

Đồng thời, phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030 gồm Hành lang kinh tế Bắc - Nam và hai hành lang kinh tế Đông - Tây là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. 

Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia tại phiên họp ngày 21/12 sắp tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị và gửi hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia tới cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Sau khi các cơ quan Quốc hội tiến hành thẩm tra các nội dung theo phân công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ gửi lại hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 5 ngày trước ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung này.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, gửi hồ sơ đến đại biểu Quốc hội trước ngày 26/12.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV, dự kiến từ 5/1/2023 - 10/1/2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm