Cửa hàng xe đạp điện Pedego ở ST.Louis thường đóng cửa trong 2 tháng vì doanh số thấp, không đủ để cửa hàng duy trì hoạt động trong suốt mùa đông. Tuy nhiên năm nay, một lượng lớn các cuộc gọi bất thường khiến nó mở cửa sớm trở lại.
Theo Don DiCostanzo, Giám đốc điều hành của Pedego, tháng 2 trở thành tháng "đại cát đại lợi" của họ. Người giám sát 208 đại lý của thương hiệu xe đạp điện trên khắp Bắc Mỹ cho biết: "chúng tôi đang thấy lượng đơn đặt hàng tăng đột biến. Mỗi tháng lại là một kỷ lục doanh số khác".
DiCostanzo tin rằng giá nhiên liệu tăng đang thúc đẩy doanh số bán hàng. "Tôi sẽ không nói với bạn rằng tất là do nhiên liệu", ông nói. "Nhưng tôi hoàn toàn tin rằng nó như một chất xúc tác, thúc đẩy nhiều người xem xét các hình thức di chuyển thay thế".
Các thương hiệu xe đạp điện khác ở Mỹ cũng kể câu chuyện tương tự: doanh số bán hàng tăng nhanh hơn dự kiến, vượt qua kỳ vọng vốn đã cao do đại dịch bùng nổ. Ngoài giá nhiên liệu cao, việc các lệnh hạn chế được nới lỏng, người dân quay trở lại văn phòng nhiều hơn có thể đóng một vai trò nào đó.
"Tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để trò chuyện với những người là nhà nhập khẩu, Giám đốc thương hiệu hoặc nhà bán lẻ xe đạp điện", Ed Benjamin - người sáng lập, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Xe điện hạng nhẹ cho biết. "Và họ nói với tôi rằng người dùng đang đến, hỏi và mua xe đạp điện làm phương tiện giao thông cá nhân".
Tại nhà sản xuất xe đạp điện VanMoof của Hà Lan, doanh số bán hàng trong vài tuần qua đã tăng gấp đôi so với dự đoán của công ty. Taco Carlier, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành VanMoof cho biết: "Chúng tôi cho rằng nguyên nhân là do giá xăng tăng".
Gregg's Cycle, một trong những nhà bán lẻ xe đạp lớn nhất ở khu vực Seattle, vừa có một tháng 2 tốt nhất kể từ khi mở cửa vào năm 1932. "Tôi nghĩ đó là kết quả của giá xăng tăng", Marty Pluth - CEO của chuỗi này cho hay.
Công ty khởi nghiệp xe đạp điện ở Seattle là Rad Power Bikes đã khảo sát khách hàng của mình lúc thanh toán về lý do mua hàng của họ. Theo đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mike Radenbaugh, nhiều người đưa ra lý do về việc chi phí nhiên liệu tăng cao. "Trước đây, xe đạp điện tăng doanh số do người dân muốn tìm kiếm một phương tiện giao thông an toàn, đảm bảo yếu tố giãn cách trong dịch bệnh. Giờ đây, giá nhiên liệu tăng cao khiến doanh số tiếp tục tăng phi mã", Radenbaugh nói. "Xe đạp điện đang ở trong giai đoạn tăng trưởng chồng tăng trưởng".
Các công ty chia sẻ xe máy điện và xe đạp điện cũng cảm nhận được sự gia tăng. Đầu tuần này, người sáng lập kiêm giáo đốc điều hành của Bird Global, Travis VanderZanden cho biết giá xăng tăng giúp thúc đẩy nhu cầu trong quý đầu tiên của năm nay. Công ty cho biết họ đang có kế hoạch tung ra một chiến dịch quảng cáo lớn, bao gồm các bảng quảng cáo ở Quảng trường Thời đại của New York và ở San Francisco trong vài ngày tới.
Quảng cáo của Bird.
Lime, đối thủ chính của Bird, hoạt động tại hơn 50 thành phố của Mỹ, cho biết số lượng người thuê xe máy điện và xe đạp điện của họ đã tăng gần 2/3 trong tháng 2 so với năm ngoái.
Với nhiều người, sự "điên cuồng" này gợi nhớ đến tình trạng bùng nổ xe đạp vào đầu những năm 1970, khi doanh số bán hàng tại Mỹ tăng gấp đôi trong vòng 4 năm, một phần do cú sốc giá xăng dầu. DiCostanzo, người làm công việc bán xăng thời điểm đó cho biết "lịch sử đang lặp lại".
"Mọi người hiện đang tìm cách tránh giá nhiên liệu cao. Lựa chọn của họ là gì? Mua một chiếc ô tô điện trị giá 70.000 đến 150.000 USD và mất 9 tháng để nhận xe không phải lựa chọn khôn ngoan".
Theo: Bloomberg