Tài chính

Kịch bản Nga ‘quốc hữu hoá’ công ty nhà máy phương Tây: Mở cửa nhưng không có hàng để bán, các doanh nghiệp e dè trở lại khi ‘sóng yên biển lặng’

Apple, McDonald's, Mercedes-Benz, IKEA, Volkswagen… danh sách các công ty đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô cứ thế nối dài.

Theo các nhà nghiên cứu Đại học Yale của Mỹ, khoảng 400 công ty nước ngoài đã giảm hoặc ngừng hoàn toàn các hoạt động kinh doanh tại Nga để phản đối chiến sự tại Ukraine. Động thái này đã khiến các nhà hàng đóng cửa, các cửa hàng bán lẻ và các cơ sở sản xuất ở Nga phải tạm dừng. Các hoạt động xuất khẩu sang nước này cũng bị trì hoãn.

Tuần trước, Moscow đe doạ sẽ tịch thu nhiều công ty trong số này. Nga cho biết nước này đang tiến hàng các bước để quốc hữu hoá các công ty đại chúng phần lớn do các cổ đông nước ngoài sở hữu. Động thái này là một phần phản ứng trước các lệnh trừng phạt gần đây của các chính phủ phương Tây đối với Nga.

Michael Rochlitz, chuyên gia Nga và giáo sư kinh tế học thể chế tại Đại học Bremen ở Đức, đánh giá "đây là một cuộc chơi hoàn toàn khác" so với những phản ứng khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Trong một kịch bản khả quan nhất, Nga đang xem xét các hoạt động kinh tế sẽ giảm 10-15% chỉ trong năm 2022 với các lệnh trừng phạt hiện tại đang được áp dụng.

Rochlitz cho biết: "Đây là một đòn giáng lớn hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hoàn toàn là do tự mình gây ra. Ông Putin đã dự đoán một số lệnh trừng phạt, nhưng ông ấy không lường được các lệnh trừng phạt lại lớn đến vậy. Và giờ ông ấy đang cố gắng đáp trả".

Đưa nhau ra toà

Bàn về động thái này, ông trùm kim loại Nga Vladimir Potanin nhắc đến cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, thời điểm khủng hoảng kinh tế ở Nga. Potanin là một tỷ phú nổi tiếng ở Nga. Khác với giới siêu giàu đang lao đao, ông không bị phương Tây trừng phạt.

Ông viết trên Telegram: "Chúng tôi có thể cảm nhận hậu quả của việc các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào Nga trong nhiều thập kỷ".

Văn phòng Công tố Nga cho biết động thái này nhằm bảo vệ những người lao động bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa. Chỉ riêng chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's của Mỹ đã sử dụng 62.000 nhân viên tại Nga. Nhưng các công ty vẫn tiếp tục kế hoạch và cho biết họ sẽ bồi thường cho nhân viên Nga.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki viết trên Twitter: "Bất kỳ quyết định phi pháp nào của Nga nhắm đến việc thu giữ tài sản của các công ty này cuối cùng sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế nặng nề hơn cho Nga".

Theo Marc Bungenberg, chuyên gia luật đầu tư quốc tế tại Đại học Saarland của Đức, quyết định của Nga có thể đưa nước này ra Toà án trọng tài quốc tế.

Đóng băng tài sản

Tuy nhiên, nếu toà án ra phán quyết có lợi cho các công ty, Nga có thể bị buộc phải bồi thường cho họ về những tổn thất và thiệt hại. Nhưng liệu Moscow có phải trả tiền bồi thường?

Bungenberg nói: "Sau đó mới thực sự là khó khăn". Các thủ tục thực thi sẽ được bắt đầu. Đây là một quá trình đòi hỏi việc tìm kiếm và thu giữ các tài sản thuộc sở hữu nhà nước ở nước ngoài.

Theo Bungenberg, một sự việc tương tự đã xảy ra sau khi Iraq tiến đánh Kuwait năm 1990. Khi ấy, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thành lập một uỷ ban hoạt động như toà án trọng tài và sau đó đóng băng tài sản của Iraq.

Mở những cửa hàng trống rỗng

Ngoài ra, một câu hỏi nữa về việc Nga sẽ làm gì với tài sản tịch thu từ các công ty nước ngoài, bao gồm cả các cửa hàng, trang trại và cơ sở sản xuất. Các nhà bán lẻ phương Tây như Zara, H&M và IKEA nổi tiếng ở Nga và tuyển dụng nhiều người. Nhưng hầu hết các sản phẩm của họ đến từ nước ngoài.

Rochlitz nói: "Tất cả đều là hàng nhập khẩu. Vì vậy, những cửa hàng này sẽ trống rỗng, và sau đó bạn có nhân viên nhưng không có gì để bán. Điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả".

Ông phân tích rằng nhà nước có thể cố gắng hỗ trợ cấp lương cho những người này, nhưng cũng sẽ nhanh chóng hết tiền. Các lệnh trừng phạt hiện ngăn Nga vay nợ trên thị trường quốc tế.

Ông Rochlitz cho biết: "Thứ có thể hoạt động trong ngắn hạn đó là nguồn cung thực phẩm". Ông chỉ ra ví dụ về các công ty nông nghiệp quốc tế sản xuất sữa và pho mát ở Nga có thể được quốc hữu hoá một cách dễ dàng.

Đóng cửa thị trường

Khó thu giữ hơn là các cơ sở vận hành bởi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài như Volkswagen, Toyota và Renault. Các công ty này đã dành nhiều năm để thành lập các cơ sở sản xuất ở Nga, nhưng lại phụ thuộc vào nhập khẩu để có được hầu hết các linh kiện cần thiết chế tạo xe của mình.

Theo ông Rochlitz, trong trường hợp xung đột tại Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt duy trì trong nhiều năm, Nga có thể thay đổi sản xuất sang các nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Ông nói: "Cuối cùng thì họ có thể sản xuất ô tô với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cho thị trường nội địa Nga. Tuy nhiên, không phải để xuất khẩu, bởi vì những chiếc xe này rất có thể sẽ không có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu".

Theo ông Rochlitz, hậu quả từ chiến sự tại Ukraine đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Nga, nhiều hơn những gì mà chính phủ hoặc người dân Nga có thể nhận ra.

Ông nói: "Nếu tịch thu những công ty này ngay bây giờ, trong tương lai, nếu các lệnh trừng phạt kết thúc và chúng ta cố gắng xây dựng nền kinh tế Nga trở lại, các công ty rõ ràng sẽ suy nghĩ trước khi quay trở lại thị trường Nga".

Theo DW

Cùng chuyên mục

Đọc thêm