Cuối năm 2021, chủ tịch THACO Trần Bá Dương cho biết THAGRICO – công ty phụ trách mảng nông nghiệp của THACO - ty đã trồng được hơn 16.000 ha cây ăn trái các loại tại Campuchia, trong đó hơn 10.000 ha chuối, 4.000 ha xoài, 300 ha dứa làm giống và hơn 2.000 ha cây ăn trái khác. THAGRICO đã thực hiện chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang trồng mới cây ăn trái chủ lực là chuối, đứa, xoài và chăn nuôi bò sinh sản.
Ông Dương kỳ vọng giá trị xuất khẩu đối với chuối có thể đạt 1 tỷ USD và Campuchia sẽ là nơi xuất khẩu chuối lớn nhất nhì thế giới.
Đối với loại quả này, hiện Dole Food đang là doanh nghiệp kinh doanh thành công nhất.
Dole Food có tiền thân là công ty Cooke and Castle được thành lập năm 1851 tại Hawaii, Mỹ, chuyên kinh doanh mặt hàng đường thực phẩm và liên tục mở rộng việc sản xuất kinh doanh trong nhiều năm. Năm 1901, chàng sinh viên Havard James Dole lập nên công ty Hawaiian Pineapple Company, doanh nghiệp mà chỉ 4 năm sau đã bán được tới 25,000 thùng dứa đóng hộp.
Vào giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ nhất (năm 1918), công ty đã trở thành nhà sản xuất dứa đóng hộp hàng đầu thế giới với sản lượng 1 triệu thùng mỗi năm; thương hiệu Dole xuất hiện trên những bao bì sản phẩm của công ty. Tuy nhiên cũng như nhiều doanh nghiệp khác, trong cuộc Đại khủng hoảng, công ty của Dole gặp khó khăn, nhất là khi sản phẩm mới của họ là nước ép dứa không đạt được thành công như mong đợi. Do đó, Dole phải bán một phần ba công ty của mình cho Cooke and Castle. Năm 1932, công ty tiếp tục thua lỗ 5 triệu USD và phải bán thêm 21% cổ phần cho chính Cooke and Castle, trở thành đơn vị kinh doanh chính của doanh nghiệp này.
Hình ảnh công ty tiền thân của Dole Food (Ảnh: Hawaii Education)
Chưa dừng lại ở đó, công ty này tiếp tục mua lại một trong những doanh nghiệp nhập khẩu chuối hàng đầu tại Mỹ vào thời là Standard Fruit and Steamship, qua đó đa dạng hóa sản phẩm. Công ty lập nên những trang trại chuối ở Philippines để phục vụ cho thị trường Đông Á, đồng thời những sản phẩm từ chuối đều được dán nhãn Dole. Bên cạnh đó, họ cũng mở rộng sang bán các loại trái cây như cam, quýt, đóng hộp hạt mắc ca, rau củ.... Công ty tiếp tục mua lại WestFoods, nhà sản xuất nấm hàng đầu tại Hoa Kỳ và lấn sân thêm cả mảng thực phẩm dinh dưỡng, mở rộng quy mô lên gấp nhiều lần.
Mặc dù vậy, tình hình tài chính của Cooke and Castle lúc này không mấy sáng sủa với nhiều khoản nợ khổng lồ, khiến họ buộc phải sáp nhập với Flexi-Van – một công ty cho thuê thiết bị vận tải. Chủ sở hữu của Flexi-Van cũng đồng thời trở thành chủ tịch và CEO Cooke and Castle, tiếp tục chiến lược mở rộng và phát triển thương hiệu hoa quả Dole. Năm 1991, công ty chính thức đổi tên thành Dole Food, tập trung vào xuất khẩu chuối, dứa và các loại rau sạch. Tới năm 1995, thương hiệu Dole đã có mặt tại 90 quốc gia trên thế giới với khoảng 170 sản phẩm từ các loại trái cây và thực vật.
Năm 2013, công ty một lần nữa gặp phải những vấn đề về tài chính, dẫn đến việc phải bán mảng thực phẩm đóng gói cho Itochu. Từ thời điểm đó tới nay, công ty chỉ tập trung vào mảng thực phẩm và rau củ quả tươi sống, trong đó chú trọng nhất là chuối và dứa. Công ty là một trong những nhà sản xuất hàng đầu cho hai loại trái cây này trên toàn thế giới.
Trong số những loại trái cây thế mạnh của công ty, chuối là loại trái cây hàng đầu. Theo số liệu năm 2018 của Dole Food, doanh thu từ kinh doanh chuối chiếm tới 44% tổng doanh thu toàn cầu của công ty. Mặc dù là loại hoa quả tương đối dễ trồng, sản lượng ổn định cả năm song giá chuối không ổn định, có tính thời vụ, thường cao hơn vào nửa đầu năm và thấp hơn vào giai đoạn sau đó.
Đây là lý do vì sao mà mặc dù khá dễ trồng và thu hoạch, song để thu lãi từ cây chuối là một điều tương đối nan giải; công ty Hoàng Anh Gia Lai ở nước ta đã phải mất rất nhiều năm mới có thể "thuần hóa" được quả chuối, đem lại được lợi nhuận cho doanh nghiệp sau giai đoạn tương đối bết bát với loại trái cây nhiệt đới này. Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương sau nhiều năm đồng hành cùng HAGL Agrico cuối cùng cũng đã thu được quả ngọt nhờ sự kiên nhẫn với đối tác cũng như với cây chuối.
Doanh thu của Dole Food năm 2018 chủ yếu tới từ quả chuối (Ảnh: Statista)
Cho tới thời điểm cuối quý 3 năm 2021, hoa quả tươi, đặc biệt là chuối vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Dole Foods. Tổng doanh thu của công ty đến hết giai đoạn này đạt 7.4 tỷ USD, trong đó có 2.2 tỷ USD tới từ các loại hoa quả tươi và 2.6 tỷ USD đến từ các loại thực phẩm tươi sống khác, tăng 4.5% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế của họ cũng đạt 131.6 triệu USD, tăng 22.5% so với giai đoạn hết quý 3 năm 2020. Những con số tương đối ấn tượng này đạt được sau khi Dole Food sáp nhập với Total Produce, đơn vị đã nắm giữ 45% cổ phần của họ từ năm 2018.
Kết quả kinh doanh quý 3/ 2021 tương đối tốt của Dole Food (Ảnh: Dole Food)
Hiện nay, Dole Food có trụ sở chính thuộc Dublin, Ireland sau vụ sáp nhập với Total Produce. Công ty bán sản phẩm tới người tiêu dùng trên gần 100 quốc gia với 300 loại sản phẩm từ các loại rau quả tự nhiên và đang trên đà phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Họ vẫn tiếp tục vị thế là một trong những công ty kinh doanh chuối và dứa hàng đầu tại Hoa Kỳ và trên thế giới, sau khi chinh phục được quả chuối – một trong những loại hoa quả gần gũi nhưng vô cùng khó sinh lời. Điều này cho thấy nỗ lực nhiều năm của Hoàng Anh Gia Lai là rất đáng ghi nhận, khi cuối cùng họ cũng phần nào làm chủ được quả chuối và có thể xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như những gì Dole Food đã và đang làm rất xuất sắc.