Theo Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ tài chính Hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, doanh nghiệp buộc phải công bố báo cáo tài chính năm trong vòng 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính (trường hợp được UBCKNN gia hạn tối đa không quá 100 ngày).
Tức 31/3 là hạn cuối doanh nghiệp phải nộp báo cáo kiểm toán. Nhiều doanh nghiệp lớn ghi nhận sự chênh lệch lớn sau mùa kiểm toán, chủ yếu liên quan tới hoạt động trích lập, hoàn nhập dự phòng và đánh giá lại khoản đầu tư.
Doanh nghiệp lỗ nặng thêm hậu kiểm toán
Không được hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) lỗ 1.115 tỷ sau kiểm toán trong năm 2023, tăng so với khoản lỗ 782 tỷ ở báo cáo tự lập.
Báo cáo kiểm toán 2023 của Xây dựng Hoà Bình do Hãng kiểm toán AASC thực hiện. Xây dựng Hoà Bình mới chính thức đổi công ty kiểm toán hồi cuối tháng 3 tức chỉ một tháng trước hạn công bố. Trước đó, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) đã kiểm toán cho tập đoàn xây dựng này trong 12 năm.
Biến động này do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 483 tỷ trong báo cáo tự lập lên 758 tỷ hậu kiểm toán.
Tại báo cáo tự lập, Xây dựng Hòa Bình đã hoàn nhập hơn 310 tỷ đồng từ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Tuy nhiên báo cáo kiểm toán lại không không ghi nhận khoản hoàn nhập trên mà vẫn thống kê chi phí dự phòng 417,5 tỷ đồng.
Theo AASC, Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình làm các thủ tục đảm bảo cho một số khoản tạm ứng để bổ sung các bằng chứng thích hợp và đầy đủ về giá trị có thể thu hồi.
Tính đến thời điểm phát hành báo cáo, AASC chưa thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính hợp nhất có liên quan đến các khoản tạm ứng này hay không.
Phía Xây dựng Hoà Bình cho biết: "Về khách quan, lợi nhuận giảm 333 tỷ là do quan điểm thận trọng của đơn vị kiểm toán đã phản ánh số liệu theo đúng chế độ kiểm toán Việt Nam và HBC thì thể hiện kết quả của báo cáo tài chính trên nguyên tắc tuân thủ chế độ kế toán của Viêt Nam nhưng không theo hướng thận trọng đến mức kết quả báo cáo chênh lệch quá xa so với thực tế bởi như thế sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho cổ đông".
Tương tự, CTCP Đầu tư LDG (Mã: LDG) ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 527 tỷ đồng ở báo cáo kiểm toán, tăng gần 153 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Lý giải về sự chênh lệch này, LDG cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC thực hiện điều chỉnh trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi và dự phòng giảm giá hàng tồn kho so với báo cáo tài chính quý 4/2023 mà doanh nghiệp đã công bố trước đó.
Lợi nhuận bốc hơi trăm tỷ so với báo cáo tự lập
CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đã công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán bởi EY. Sau kiểm toán, khoản lãi từ công ty liên kết 316 tỷ đã bốc hơi khỏi bảng kết quả kinh doanh bởi việc loại trừ lãi từ giao dịch giá rẻ.
Nguyên nhân là ảnh hưởng của việc xác định giá trị hợp lý tài sản thuần của công ty liên kết tại ngày mua chưa được phản ánh phù hợp trong báo cáo tài chính hợp nhất tự lập và phần loại trừ lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
Lộc Trời báo lãi từ công ty liên kết tăng đột biến vào quý II/2023 (330 tỷ đồng), đây là phần lãi lũy kế sau khi mua công ty liên kết - CTCP Lương thực Lộc Nhân. Lộc Nhân được Lộc Trời hoàn tất mua lại vào ngày 16/2/2023. Sau giao dịch này, tỷ lệ biểu quyết và tỷ lệ lợi ích của Lộc Trời tại Lộc Nhân là 49%.
Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm 11% còn 641 tỷ do điều chỉnh giảm chi phí lập dự phòng phải thu khó đòi với số tiền 73 tỷ do công ty đánh giá lại và ghi nhận giảm dự phòng phải thu khó đòi của một số khách hàng đã được thu hồi công nợ sau niên độ.
Trừ đi các chi phí sau điều chỉnh, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ của Lộc Trời giảm 94% còn 17 tỷ sau kiểm toán. So với 2022, con số lãi sau thuế năm ngoái giảm 96%.
Báo cáo tài chính năm 2023 của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) được kiểm toán bởi Công ty TNHH PwC (Việt Nam). Lãi ròng 2023 của Novaland sau kiểm toán là 486 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.
Nguyên nhân phát sinh chênh lệch chủ yếu là đơn vị kiểm toán thực hiện trích lập dự phòng giảm giá trị hàng tồn kho tại công ty liên kết trên quan điểm thận trọng. Novaland cho biết khoản trích lập dự phòng này dự kiến sẽ được hoàn nhập khi dự án tiếp tục triển khai.
Phần thuyết minh cho thấy khoản dự phòng giảm giá trị tồn kho liên quan đến dự án The Botanica (104 Phổ Quang, phường 12, quận Tân Bình).
Tại ngày 31/12/2023, Novaland ghi nhận tổng giá trị tồn kho gần 139.100 tỷ đồng và trích lập dự phòng tồn kho gần 161 tỷ đồng, tập trung ở bất động sản để bán đang xây dựng (chủ yếu là chi phí tiền sử dụng đất, chi phí tư vấn thiết kế, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án).
Số dư hàng tồn kho nói trên đã bao gồm chi phí phát triển dự án The Botanica với số tiền hơn 621 tỷ đồng. Dự án này được Novaland và CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn - Savico ký thỏa thuận chuyển nhượng vào tháng 7/2014.
EY cũng kiểm toán cho báo cáo của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã: TTF). Giá vốn hàng bán, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đều tăng so với báo cáo tự lập khiến công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 41 tỷ đồng.
Khoản lợi nhuận khác từ 18 tỷ ở báo cáo tự lập biến thành lỗ 70 tỷ sau kiểm toán do tăng mạnh chi phí phạt thuế cùng khoản lỗ từ xoá sổ và thanh lý tài sản. Kết quả, Gỗ Trường Thành lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 134 tỷ sau kiểm toán trong khi ở báo cáo tự lập có lãi 11 tỷ đồng. Năm 2022, công ty có lãi 3,4 tỷ đồng.