Tỷ giá trung tâm hôm nay (3/4) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.020 VND/USD, tăng 15 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.819 - 25.221 VND/USD.
Tỷ giá bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng thêm 16 đồng, mua - bán ở mức 23.400 - 25.171 VND/USD.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng tiếp tục đà tăng trong sang nay (3/4). Theo khảo sát lúc 11h, giá USD tại Vietcombank, Ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết ở mức 24.710 – 25.080 đồng, tăng khoảng 110 đồng so với cuối tuần trước. Trong khi đó, VietinBank cũng tăng mạnh giá USD lên mua – bán ở mức 24.720 – 25.140 đồng và tại BIDV là 24.815 – 25.125 đồng, tăng 155 đồng so với cuối tháng 3.
Tại nhóm ngân hàng cổ phần, giá USD cũng tiếp tục tăng trong sáng nay. Hiện MB đang niêm yết giá mua – bán USD tiền mặt ở mức 24.820 – 25.221 đồng, tăng khoảng 180 đồng từ đầu tuần. Như vậy, giá bán USD của ngân hàng này hiện đã vượt mức giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (25.171 đồng) và chạm mức giá trần được phép giao dịch (25.221 đồng)
Cùng với MB, nhiều ngân hàng tư nhân cũng đã đưa giá bán USD lên sát mức giá bán can thiệp của NHNN như ACB (25.150 đồng), Sacombank (25.160 đồng). Trong khi các ngân hàng khối quốc doanh cũng niêm yết giá bán USD thấp hơn giá bán tham khảo của NHNN khoảng 30 – 90 đồng.
Với việc các ngân hàng đưa giá USD lên sát thậm chí chạm trần cho phép cũng như vượt mức giá bán tại Sở Giao dịch, NHNN nhiều khả năng sẽ có động thái phù hợp, trong đó không loại trừ biện pháp bán ngoại tệ can thiệp.
Lần gần nhất NHNN phải bán ngoại tệ để bình ổn thị trường diễn ra vào năm 2022. Theo đó, từ đầu quý 2/2022, NHNN đã thực hiện bán kỳ hạn lượng lớn USD nhằm ổn định thị trường ngoại tệ sau khi Fed liên tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, trước áp lực tỷ giá vẫn lớn, đến giữa tháng 7/2022, NHNN đã chuyển từ hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sang hợp đồng giao ngay và tăng giá bán thêm 150 đồng, lên mức 23.400 đồng/USD, dù trước đó đã tăng 200 đồng vào trung tuần tháng 5/2022.
Theo thống kê của giới phân tích, trong 9 tháng đầu năm 2022 với tâm điểm là quý III, lượng ngoại tệ mà NHNN đưa ra can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương hơn 20% tổng dự trữ ngoại hối vào cuối năm 2021.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng các nguyên nhân chính khiến tỷ giá tăng vẫn là từ áp lực từ thị trường thế giới; cầu tín dụng yếu; nhập siêu lớn từ khu vực trong nước và nhu cầu trả nợ vay, thanh toán ngoại tệ.
PHS cũng cảnh báo rằng nếu tỷ giá tiệm cận ngưỡng 25.000 VND/USD, NHNN có thể thực hiện thêm một động thái nữa là bán ngoại tệ kỳ hạn như đã từng thực hiện trong các giai đoạn 2018 và 2022.