Bất động sản

Mua được NƠXH Hà Nội với 170 triệu trong tay, cặp vợ chồng trẻ đưa ra lưu ý quan trọng

Mua nhà ở xã hội 1,4 tỷ đồng

Mới đây, một cặp vợ chồng trẻ tại Hà Nội đã chia sẻ lên mạng xã hội về hành trình mua căn nhà ở xã hội trị giá 1,4 tỷ đồng trong khi chỉ có 170 triệu đồng trong tay nhận được nhiều sự quan tâm.

Người vợ cho biết anh chị cưới nhau đầu năm 2022 với 2 bàn tay trắng, 2 vợ chồng quyết định chuyển về nhà bà ngoại ở nhờ để tiết kiệm chi phí. Không lâu sau khi cưới, đôi vợ chồng trẻ có tin vui và chuẩn bị đón bé gái đầu lòng chào đời. Với mức lương 8,5 triệu của vợ và 10 triệu của chồng, gia đình chị duy trì đủ chi phí sinh hoạt và có để dành tiết kiệm được một chút.

Khi nghe tin có dự án nhà ở xã hội tại quận Nam Từ Liêm, vợ chồng chị lập tức làm hồ sơ đăng ký theo diện người lao động ở doanh nghiệp có thu nhập thấp ở đô thị. Với suy nghĩ được thì tốt, không được thì thôi, chị tự làm hồ sơ từ A đến Z không qua trung gian, nếu không được thì chờ dự án sau chứ nhất quyết không mất tiền cho môi giới.

May mắn đã mỉm cười với gia đình khi anh chị bốc thăm trúng quyền mua căn hộ xã hội này. Căn hộ giá 1,4 tỷ đồng, có 2 phòng ngủ 2 nhà vệ sinh, rộng 70m2.

Đôi vợ chồng trẻ tự tìm hiểu dự án NƠXH, tự làm hồ sơ, nhất quyết không nghe theo lời dụ dỗ của bên thứ 3. Ảnh minh họa.

Đôi vợ chồng trẻ tự tìm hiểu dự án NƠXH, tự làm hồ sơ, nhất quyết không nghe theo lời dụ dỗ của bên thứ 3. Ảnh minh họa.

Căn hộ chị mua trả theo 6 đợt, từ đợt 1 - 5 giải ngân theo tiến độ xây dựng (tương đương 30% - 15% - 15% - 10% - 20%). Đợt 6 khi nào ra sổ thì thanh toán nốt.

Ở đợt 1, chị phải trả cho chủ đầu tư khoảng 403 triệu đồng. Gia đình chị bán hết vàng cưới, vét hết tiền tiết kiệm nhưng chỉ có 170 triệu đồng. Số còn lại 2 vợ chồng đi vay họ hàng và bạn bè mỗi người một ít.

Chị cho biết, sau khi có hợp đồng mua bán căn hộ, chị mang ra ngân hàng làm thủ tục vay vốn theo diện hộ nghèo mua nhà ở xã hội, lãi suất hiện tại 6,6%/năm. Ngân hàng sẽ đứng ra trả tiền cho chủ đầu tư trước, người mua nhà chỉ cần trả góp cả gốc và lãi cho ngân hàng hàng tháng 6 triệu đồng. Ngoài mức lương hàng tháng khoảng 20 triệu đồng, 2 vợ chồng chị hiện “cày cuốc” kinh doanh thêm để kiếm tiền nuôi con và trả nợ theo đúng tiến độ dự án.

Lưu ý quan trọng khi mua nhà ở xã hội

Trao đổi với phóng viên, người vợ xác nhận câu chuyện trên. Chia sẻ về kinh nghiệm mua nhà ở xã hội, chị nhấn mạnh với mọi người không nên mất tiền oan cho bên thứ 3. Tuyệt đối đừng tin vào lời quảng cáo “căn ngoại giao”, “căn góc ngoại giao”, “cọc tiền để giữ suất”, “chưa khởi công đã hết suất”, “bất động sản ôm hết rồi” của cò mồi.

“Tất nhiên mỗi dự án một khác nhưng hãy cố gắng tự làm hồ sơ, đừng vô tình tiếp tay cho những kẻ trục lợi khiến cho giá nhà bị đẩy lên cao, và sự hỗ trợ của Nhà nước lại không tiếp cận được người thực sự cần”, chị cho hay.

Trước hết, để tránh bị bên thứ 3 dụ dỗ hay đánh lừa, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần nắm vững luật và hiểu rõ dự án nhà ở xã hội là gì, dành cho đối tượng nào, có những bên nào đầu tư và quản lý, những văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở xã hội. Các văn bản tuy dài nhưng nhất định phải đọc để không bị 'bịp".

Trên thực tế có không ít trường hợp đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo người mua nhà ở xã hội. Lấy mác “nhận làm hồ sơ” nhưng thực chất là đặt cọc, chuyển phí để mua nhà ở xã hội. Và rồi, chỉ trong nháy mắt, người dân mất hàng trăm triệu đồng nhưng lại chẳng sở hữu được căn nhà của riêng mình.

Người vợ cũng cho biết thêm, thông báo thu hồ sơ nhà ở xã hội sẽ được đăng tải trên web của chủ đầu tư hoặc Sở Xây dựng Hà Nội khoảng 1-2 tháng trước khi thu hồ sơ. Giá bán cũng sẽ công khai trong thông báo. “Các bạn cứ bình tĩnh theo dõi sát sao những kênh chính thống để có thông tin chính xác”, chị khuyên.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm