Cùng tìm hiểu những "chiêu trò" của các động vật ở Thảo cầm viên Sài Gòn khiến du khách không nhịn được cười.
Bái bai nha, đố anh bắt được em
Vẹt là loài khá thông minh, tình cảm và tinh nghịch. Chúng bắt chước tiếng người cũng lên xuống âm lượng, nhấn nhá. Ở Thảo cầm viên Sài Gòn, có một chú vẹt mào thuộc dạng thông minh và quậy "có tiếng". Chú quan sát, lắng nghe và bắt chước được rất nhiều thứ từ con người.
Chú nổi tiếng với câu nói "Thảo ơi! Có khách" (Thảo là bà Huỳnh Thu Thảo, chủ tịch của đơn vị - PV).
Một ngày nọ, vẹt tháo cũi sổ lồng. Do ở trong lồng lâu ngày nên khả năng bay của vẹt không tốt lắm. Chú lẩn quẩn trên các cây. Một nhóm nhân viên được điều động để bắt chú vẹt này lại. Trong đó có một người tiếp cận được cành cây chú vẹt đậu và nhoài người ra bắt.
Đợi nhân viên này gần tới, chú vẹt bất ngờ nói "Bái bai, bái bai nha" với âm điệu rất ngạo mạn. Rồi chú ta nhẹ nhàng bay sang một cây khác cách đó không xa.
Già đẫy đi xin ăn
Già đẫy, loài chim ăn cá có kích thước lớn với chiều dài sải cánh khoảng 2m và cái đầu trọc nhẵn thín. Loài chim này trước đây nuôi trong một lồng lớn. Về sau này, do khả năng sinh sản tốt dẫn đến mật độ chuồng đông, nên Thảo cầm viên Sài Gòn mang già đẫy ra thả ở một hòn đảo giữa hồ sen với các loài chim khác.
Được tự do bay nhảy nên dần dần già đẫy lấn sân vô bờ, đi dạo trên các thảm cỏ để tìm thức ăn. Chúng ăn từ chuột, rắn mối, trùn đất, cá… và cả cá viên chiên cũng như xúc xích, sườn nướng. Mùi thơm của thực phẩm chế biến cùng với gia vị đã làm cho cá viên chiên trở thành món khoái khẩu của chúng.
Kế hoạch thu phí bến bãi lập tức được loài chim này "soạn thảo" và thực hiện với phương châm "không cho ăn, không cho ngồi". Đầu tiên là trẻ em, sau đến thanh thiếu niên, rồi đến các gia đình, nhóm bạn và những đôi tình nhân.
Chúng chỉ cần đứng đó, vỗ cánh, giương đôi mắt tròn nhìn chăm chú, thi thoảng lắc lư cái đầu trọc ra vẻ đe dọa. Thế là lần lượt các du khách phải móc hầu bao mua thức ăn cho chúng hoặc nhường lại phần thức ăn trên tay.
Hà mã chảy máu giả
Loài động vật cộc tính, sẵn sàng gây chiến để bảo vệ lãnh thổ nên trên mình hà mã thường có những vết đứt, trầy, đôi khi có cả ruồi nhặng bâu. Nhiều du khách đã gọi điện thông báo cho Thảo cầm viên về việc hà mã bị chảy máu, yêu cầu phải can thiệp thú y, chăm sóc chúng.
Dù đã biết rõ "chiêu trò" này nhưng nhân viên Thảo cầm viên cũng phải có mặt ở đó để giải thích cho mọi người rằng: Quá trình chuyển hóa amino acid hà mã tạo ra 2 chất là hipposudoric acid màu đỏ và norhipposudoric acid màu cam.
Các chất này giúp da hà mã kháng được nắng, kháng khuẩn và giữ ẩm. Những giọt mồ hôi chứa hai chất này có màu như máu, gây sự hiểu nhầm cho du khách về việc chúng bị thương rất nặng.
"Voi chết rồi, phải làm sao?"
Một số loài thú móng guốc có giấc ngủ rất ngắn nhưng rất sâu. Những lúc như vậy thường xảy ra vào giai đoạn nữa đêm gần sáng, khi mà mọi thứ thật yên tĩnh, không khí mát mẻ, dễ chịu.
Thảo cầm viên Sài Gòn ngoài lực lượng chăm sóc động vật, thì còn có những đơn vị khác như bảo vệ, cây xanh, xây dựng… Những người này không hoạt động chuyên môn nên không biết nhiều về động vật, nhất là người mới.
Tầm 3h30 sáng một ngày nọ, một anh trực ban bảo vệ hớt hãi báo "Voi chết rồi! Anh gõ inh ỏi, la hét rần rần mà nó nằm bất động, không thấy thở gì".
Khi nhân viên đến nơi thì cả nhóm bật cười vì bị "voi lừa". Anh bảo vệ chữa ngại nói "chắc phục vụ lễ mệt quá nên hôm nay bà voi già làm một giấc thẳng cẳng quên trời đất".
Gấu mèo treo cổ
Trong Thảo cầm viên có một số gia đình gấu mèo. Loài này có sở thích ngủ "treo cổ". Do đó không ít lần du khách hoảng hốt gọi đường dây nóng kêu cứu hộ vì tưởng gấu mèo bị mắc kẹt "lè lưỡi".
Thảo cầm viên Sài Gòn là 1 trong 8 vườn thú cổ của thế giới
Thảo cầm viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 (đến nay đã tròn 160 tuổi). Đây là 1 trong 8 vườn thú cổ nhất trên thế giới.
Cho đến nay, Thảo cầm viên Sài Gòn đang nuôi dưỡng hơn 2.000 động vật thuộc 135 loài, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm, như trĩ sao, chà vá, vượn má vàng, hươu vàng, báo lửa, báo gấm...
Tại đây cũng có hơn 2.500 cây xanh với hơn 900 loài thực vật được bảo tồn.