Tại tọa đàm trực tuyến "Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME" diễn ra vào ngày 22/6, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho biết con số của Ngân hàng Nhà nước cho thấy hiện nay có khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ nợ quá hạn cũng rất thấp, chỉ khoảng 3-4%.
Như vậy, phần lớn hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi vay vốn được từ ngân hàng cơ bản đều đã sử dụng rất hiệu quả và họ đang hoàn trả lại vốn cho ngân hàng. Tuy nhiên cũng có doanh nghiệp sử dụng vốn không hiệu quả.
Theo ông Bình, có những trường hợp vay tiền của ngân hàng về cho doanh nghiệp nhưng lại sử dụng cho mục đích cá nhân. Nó liên quan đến vấn đề quản trị công ty, lẫn lộn giữa tài sản công ty, tài sản cá nhân, quản trị dòng tiền không tốt. Việc đó là có nhưng không nhiều, không phổ biến.
Trong thời gian qua, có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là cả doanh nghiệp lớn, gặp phải vấn đề rất lớn hay đối diện nguy cơ phá sản. Nguyên nhân là họ vay được vốn quá nhiều, từ ngân hàng hay từ trái phiếu chứ không phải không vay được tiền.
Những doanh nghiệp không vay được vốn có khi lại ổn nhưng vay được vốn quá nhiều (easy money) lại tạo ra việc sử dụng vốn không hiệu quả. Một số doanh nghiệp lớn huy động vốn từ trái phiếu, vay vốn ngân hàng rồi triển khai đồng thời hàng chục dự án nhưng không tính dòng tiền trong tương lai ra sao.
Một số doanh nghiệp nhỏ thì vay vốn về đáng lẽ để sản xuất kinh doanh nhưng lại đổ vào lĩnh vực khác.
"Sự nóng lên của thị trường bất động sản đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi thấy một phần vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh nhưng một phần khác lại vào homestay ở Ba Vì, Sóc Sơn… và những dự án khác.
Chưa kể họ còn đầu tư vào trái phiếu hay thị trường chứng khoán. Ví dụ, cách đây ba năm, tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư rất nhiều vào thị trường chứng khoán dưới danh nghĩa công ty. Cũng không thể nói đây là dòng tiền từ ngân hàng nhưng tôi cho rằng đáng lẽ số tiền đó phải được sử dụng tốt hơn thông qua đầu tư vào sản xuất kinh doanh", ông Bình cho hay
Chúng ta không thể khẳng định điều này xảy ra tại tất cả doanh nghiệp nhưng có những trường hợp đó. Khi vay vốn được từ ngân hàng, huy động từ cổ đông hay trái chủ, quan trọng nhất là sử dụng nguồn vốn đó như thế nào, quản trị ra sao.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thu hút bởi các dự án đem lại nguồn lợi rất hấp dẫn nhưng như vậy họ sẽ quên mất mục tiêu chính của mình. Đây là bài học kinh nghiệm rất tốt cho công tác quản trị dòng tiền, dự án, đảm bảo được nguyên tắc của thủ tục, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỷ luật và minh bạch tài chính, sử dụng vốn hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, việc giám sát của ngân hàng cũng rất quan trọng. Ngân hàng có thể đến kiểm tra tín dụng đối với các doanh nghiệp một vài lần. Tuy nhiên, cũng không thể kiểm tra hết được. Doanh nghiệp có thể có rất nhiều cách để chứng minh mình đã đưa tiền vào đúng dự án nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Chuyên gia cho rằng ngân hàng dù có giỏi thế nào đi chăng nữa thì cũng không đủ thời gian và họ cũng không có trách nhiệm để thực hiện tất cả việc đó. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và tìm cách sử dụng nguồn vốn tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp cần làm đúng với yêu cầu đã cam kết với ngân hàng khi vay vốn, phục vụ sự phát triển bền vững của chính doanh nghiệp và hoàn trả lại vốn cho ngân hàng. Đây là công cụ quan trọng giúp họ tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Năng lực quản trị của doanh nghiệp, đặc biệt là quản trị về mặt tài chính, rủi ro trong quá trình hoạt động, rủi ro trong tài chính, rủi ro về thị trường, rủi ro về mặt pháp lý là điều các doanh nghiệp phải tính đến khi vay vốn từ ngân hàng.
Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp phải vấn đề rủi ro pháp lý không gỡ ra được. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn khi thị trường giảm mạnh, tạo nên rủi ro. Do vậy, họ nên tính toán đến các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Khi gặp khó khăn và tìm được cách giảm bớt, chúng ta đã tự nâng cao năng lực của mình. Điều này vừa phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp, vừa giúp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn đồng thời giúp các ngân hàng phát triển bền vững.